Kinh tế toàn cầu tổn thất gì nếu chiến tranh Triều Tiên nổ ra?

Nền kinh tế thế giới sẽ bị gián đoạn và thiệt hại nặng nề nếu chiến tranh xảy ra tại Triều Tiên, theo Capital Economics.

Hôm qua, lời cảnh báo "đầy lửa và giận dữ" của Tổng thống Mỹ - Donald Trump với Triều Tiên đã làm rung chuyển các thị trường trên toàn cầu. Nếu chiến tranh nổ ra, nền kinh tế thế giới sẽ phải chịu nhiều tổn thất.

Một phân tích của Capital Economics chỉ ra rằng chuỗi sản xuất và cung cấp mọi thứ từ điện thoại thông minh (smartphone), ôtô đến màn hình tivi sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, gây thiệt hại cho sự tăng trưởng toàn cầu và đẩy giá cả gia tăng. Bởi vì, Hàn Quốc là nước cung cấp phần lớn các thiết bị điện tử trên thế giới.

Quốc gia láng giếng của Triều Tiên là nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng - loại màn hình dành cho tivi hay nhiều thiết bị điện tử khác lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu. Đất nước này là nơi chế tạo chất bán dẫn - được sử dụng trong smartphone lớn thứ hai thế giới , với 17% thị phần.

Đồng thời, Hàn Quốc cũng là một trong những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới và quê hương của ba hãng đóng tàu biển lớn nhất hành tinh.

Kinh tế toàn cầu tổn thất gì nếu chiến tranh Triều Tiên nổ ra? ảnh 1

Kim ngạch thương mại của Hàn Quốc năm 2016. Ảnh:Bloomberg

"Nếu các lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc bị thiệt hại nặng nề bởi chiến tranh, thế giới sẽ thiếu hụt nhiều loại hàng hoá. Sự gián đoạn sẽ kéo dài một thời gian, mất khoảng 2 năm để xây dựng lại một nhà máy sản xuất chất bán dẫn", hai chuyên gia kinh tế Gareth Leather và Krystal Tan nhận định.

Ngành vận tải biển cũng sẽ chịu rủi ro. Bất kỳ mâu thuẫn xảy ra nào đều có khả năng làm tê liệt các hành trình phía đông bờ biển Trung Quốc - quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới. Theo Capital Economics, nếu điều này gây nguy hiểm cho tàu hàng ra vào các cảng Trung Quốc, nó sẽ gây thêm nhiều tổn thất cho nền kinh tế thế giới.

Với riêng Mỹ, quốc gia này có thể còn phải chịu thiệt hại nặng nề hơn. Nợ liên bang sẽ cao hơn để chi trả các chi phí cho chiến tranh và tái thiết. Nếu Mỹ phải chi số tiền tái thiết trên bán đảo Triều Tiên tương đương như ở Iraq và Afghanistan, nợ quốc gia sẽ tăng thêm 30% nữa, theo phân tích của Capital Economics.

Hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng mối lo ngại đang bị cường điệu hoá. Họ chỉ ra những căng thẳng trước đây cuối cùng đều được hoá giải.

Tuy nhiên, theo Bloomberg Intelligence, ngay cả khi không có hành động quân sự, căng thẳng gia tăng đã là tin xấu cho sự tăng trưởng của khu vực Bắc Á. "Với Hàn Quốc, những động thái này đã đe doạ đầu tư và tuyển dụng nhân sự. Với Nhật, đồng yen mạnh lên ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và kế hoạch giảm phát của Ngân hàng Trung ương", Bloomberg nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục