Kinh tế Việt Nam năm 2023: Ba đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế Việt Nam đang ngấm sâu những ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn vốn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
Đầu tư công là động lực quan trọng để tạo đột phá, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư công là động lực quan trọng để tạo đột phá, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Đây là quan điểm được ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2023.

Phân tích kỹ hơn về triển vọng kinh tế năm 2023, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng quốc gia của ADB nhận định, Việt Nam sẽ cần 3 đột phá để đạt được mức tăng trưởng 6,5%.

Cụ thể, đầu tư công là động lực đầu tiên để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. ADB ước tính nếu Việt Nam giải ngân được 30 tỷ USD vốn đầu tư công như cam kết sẽ tạo đột phá mạnh, đóng góp tăng trưởng 1% GDP.

Tiếp đến là tận dụng cơ hội từ mở cửa thị trường Trung Quốc để đẩy mạnh dịch vụ du lịch và hoạt động xuất khẩu. Theo đó, dịch vụ dự kiến tăng 8% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi. Cụ thể, Trung Quốc đã cho phép nối lại các tour du lịch từ nước này đến Việt Nam từ ngày 15/3/2023. Sản lượng nông nghiệp dự kiến tăng 3,2% do nhu cầu trong nước phục hồi và Trung Quốc, thị trường chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau củ của Việt Nam, mở cửa trở lại.

Cuối cùng là việc chuyển hướng chính sách từ thắt chặt, kiểm soát lạm phát sang nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Chuyên gia của ADB đánh giá cao động thái hạ lãi suất điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước. "Sức ép lạm phát giảm dần, sức ép lên tỷ giá cũng giảm dần. Trong điều kiện đó, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang nới lỏng, quyết định hạ lãi suất. Tôi nghĩ đây là một biện pháp rất hợp lý và nó sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng rất mạnh”, ông nói.

Nhìn thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt mục tiêu 6,5% và nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầu tiên chuyển sang hướng đó. “Đây là hướng chuyển hợp lý và nó sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra", ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt, kiểm soát lạm phát sang nới lỏng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt, kiểm soát lạm phát sang nới lỏng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, theo ADB, đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Vốn FDI đăng ký mới giảm 38% và giải ngân giảm 4,9% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt tài khóa trong năm 2023 có thể cao hơn chỉ tiêu thâm hụt của năm là 4,4% GDP. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để bảo đảm tài chính bền vững hơn, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu thô.

Về phía cầu, ADB dự báo tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023. Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công mới được khởi xướng trong tháng 1/2022 và việc tăng lương có hiệu lực từ tháng 7/2023 dự kiến sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng, mặc dù lạm phát cao hơn có thể cản trở tiêu dùng phục hồi.

Nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục tác động tới thương mại trong năm 2023. Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1,0% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024.

Trong bối cảnh thị trường vốn trong nước đang chịu áp lực, chuyên gia của ADB cho rằng, về dài hạn, Việt Nam cần duy trì cải cách lĩnh vực tài chính để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường vốn. Bên cạnh đó, ADB cũng khuyến nghị Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023.

Cũng liên quan đến dự báo kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) mới đây đã đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tại khu vực Đông Nam Á, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia, Malaysia và Thái Lan đạt 4,8%, 4,0% và 3,6% năm 2023, lần lượt giảm 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. Với Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt 6,3%.

Về động lực tăng trưởng, các chuyên gia đều cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công cùng với việc tiếp tục thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam là rất quan trọng, sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục