![]() |
Doanh nghiệp kỳ vọng những nỗ lực cải cách thể chế của Đảng, Nhà nước sẽ tạo ra xung lực mới giúp khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế |
![]() |
Tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt hai con số
Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025, hàng loạt giải pháp đang được Chính phủ quyết liệt triển khai.
Trong đó, được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng, góp phần kích thích, thu hút thêm đầu tư từ tư nhân nên vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế rất lớn, khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2024. Nhiều dự án hạ tầng lớn như Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… được tích cực triển khai. Nhờ đó, các doanh nghiệp, trong đó có nhà thầu xây dựng có thêm việc làm, thu nhập cho người lao động…
Để tăng trợ lực cho doanh nghiệp, Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2025 bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch…
Với hàng loạt giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tôi cho rằng, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt ít nhất 8%. Từ năm 2026 trở đi, đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục mạnh lên, nhất là khi hệ thống quy định pháp luật được hoàn thiện sẽ động viên lực lượng kinh tế tư nhân đẩy mạnh đầu tư. Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và 82% tổng số lao động. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của khu vực này lại trông chờ vào chính sách. Nếu chính sách tạo thuận lợi, khuyến khích được đầu tư tư nhân, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tới là khả thi.
![]() |
Cởi trói về thể chế sẽ tạo xung lực mới cho nhiều ngành, nghề phát triển
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành
Tình hình thế giới có nhiều biến động đang tác động không tốt đến nền kinh tế Việt Nam, các lĩnh vực ngành nghề liên quan đến xuất nhập khẩu đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự nhập cuộc và quyết tâm của hệ thống chính trị để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, sẽ tạo ra xung lực mới cho kinh tế tư nhân phát triển, cởi trói cho doanh nghiệp, nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh sẽ có cơ hội phát triển tốt. Hiện các bộ, ban ngành, địa phương đang tái cấu trúc bộ máy hoạt động theo hướng tinh giản, tập trung sửa đổi các chính sách, quy định pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển mạnh khoa học, công nghệ, tạo ra cơ chế thông thoáng để thu hút các nguồn lực đầu tư.
Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những nỗ lực cải cách thể chế của Đảng, Nhà nước sẽ tạo ra tín hiệu phục hồi và phát triển của nền kinh tế vào cuối năm 2025, đầu năm 2026. Những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn của nền kinh tế đúng, trúng và được thực hiện một cách quyết liệt sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng và hoàn thành những dự án trọng điểm về hạ tầng, khi cải cách thể chế được triển khai toàn diện thì hệ sinh thái doanh nghiệp ngành xây dựng (nhà thầu thi công, doanh nghiệp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, doanh nghiệp công nghệ…) chắc chắn có nhiều cơ hội phát triển. Tôi tin rằng, cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ hiện nay sẽ tạo động lực vững chắc để nền kinh tế phát triển trong thời gian 10 - 20 năm tới.![]() |
Kinh tế Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, tôi vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và giai đoạn sắp tới. Bởi đây là giai đoạn bản lề, đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế nếu chúng ta tận dụng tốt các yếu tố nền tảng và vượt qua được các thách thức từ bên ngoài.
Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt, quyết liệt và nhất quán. Các tín hiệu tích cực từ tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, sự phục hồi rõ nét của các ngành mũi nhọn như công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, du lịch... cũng đang tạo nền tảng vững chắc cho sự khởi sắc của toàn nền kinh tế. Cùng với đó, những cải cách mạnh mẽ về pháp lý như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) đang mở ra những cơ hội lớn cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và minh bạch hơn.
Tuy nhiên, khả năng Mỹ áp mức thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng từ Việt Nam có thể tạo ra sức ép lớn cho khu vực sản xuất - xuất khẩu. Đó là một thách thức lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp (DN) trong các ngành xuất khẩu chủ lực như thép, gỗ, dệt may, điện tử, vốn có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Việc mất lợi thế cạnh tranh về giá có thể dẫn đến thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng việc làm và làm chậm lại đà hồi phục chung.
Điều này không chỉ tác động đến hoạt động thương mại mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực BĐS, đặc biệt là BĐS công nghiệp, nơi phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI và hoạt động sản xuất toàn cầu. Nếu doanh nghiệp FDI giảm quy mô hoạt động hoặc trì hoãn kế hoạch mở rộng, nhu cầu thuê đất và hạ tầng tại các khu công nghiệp có thể bị ảnh hưởng.
Dù vậy, tôi tin rằng Chính phủ luôn có giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực nội địa hóa và hướng đến phát triển bền vững. Nền kinh tế đang trên hành trình hồi phục tích cực và nếu vượt qua được thử thách này, Việt Nam sẽ có cơ hội bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, ổn định, tự cường và hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu.
![]() |
Kỳ vọng kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ
Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai
Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo, đan xen thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam trong quý I/2025 đã có sự tăng trưởng khá, GDP tăng 6,93%. Ngoại trừ căng thẳng do Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thì cộng đồng doanh nghiệp vẫn lạc quan và đặt niềm tin vào các chính sách điều hành kinh tế linh hoạt của Chính phủ.
Tôi đánh giá cao và đặt kỳ vọng bởi 4 yếu tố. Một là, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến phát triển khu vực tư nhân, coi kinh tế tư nhân như là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Khi có chính sách cụ thể, kinh tế tư nhân sẽ được khai phóng tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển đột phá. Hai là, cuộc cách mạng tinh giản bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính, sau khi ổn định kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá trong quản lý, điều hành…, mọi công việc sẽ vận hành khoa học, nhanh và hiệu quả. Đặc biệt, cuộc cách mạng này sẽ mở ra không gian phát triển mới, sử dụng nguồn lực của đất nước hiệu quả hơn. Ba là, nguồn vốn đầu tư công đang và sẽ được đầu tư ngày càng có trọng tâm, hiệu quả. Minh chứng là nhiều công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia đã được đầu tư, hoàn thành vượt tiến độ; nhiều dự án treo đã tái khởi động. Vừa qua, hàng loạt công trình đã được khởi công, khánh thành dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chắc chắn sẽ kích thích đầu tư, góp phần cho kinh tế tăng trưởng. Bốn là, đối với nguy cơ về chính sách thuế quan từ Mỹ, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh và linh hoạt. Theo đó, việc đàm phán với Mỹ về mức thuế suất đối ứng chắc chắc sẽ tìm ra giải pháp hợp lý cho cả hai nước. Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ. Song song đó, các đối sách mở rộng thị trường xuất khẩu, tái cấu trúc chuỗi sản xuất sẽ góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế.
Với hành trang dặm dài lịch sử vẻ vang, vị thế, tiềm lực ngày càng lớn mạnh, Việt Nam sẽ hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục hành trình phát triển vững vàng, mạnh mẽ để đưa đất nước tiến nhanh tới đích thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
![]() |
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, bất ổn (đặc biệt là "cú sốc" thuế quan của Mỹ), lạm phát và lãi suất có thể giảm chậm hơn dự kiến, tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp (1,8 - 2% năm 2025 - 2026), kinh tế Việt Nam dự báo chịu ảnh hưởng khá tiêu cực trong năm 2025 và 1 - 2 năm tới.
Ở trong nước, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn thấp hơn so với trước dịch Covid-19 và chưa bền vững. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi trong quý I/2025, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 15,1% và số doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn doanh nghiệp gia nhập thị trường là điểm cần lưu ý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm và thị trường bất động sản còn thiếu bền vững.
Tuy nhiên, với kỳ vọng việc đàm phán thuế quan và các giải pháp cân bằng cán cân thương mại với Mỹ đạt kết quả tích cực, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế thương mại và thu hút FDI nhất định so với các quốc gia khác, cùng với các chính sách, giải pháp kích cầu nội địa, phát huy động lực tăng trưởng mới từ nửa cuối năm 2025, tăng trưởng GDP cả năm 2025 có thể tiến sát mục tiêu.
Để ứng phó kịp thời, hiệu quả với chính sách thuế quan của Mỹ, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra một số kiến nghị. Đó là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính, chống lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực; làm mới các động lực truyền thống. Cùng với đó, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới như AI, năng lượng...), nhằm bù đắp sự sụt giảm của động lực tăng trưởng truyền thống và rủi ro thuế quan.
![]() |
Còn nhiều dư địa cải cách thể chế để tạo bệ đỡ cho phát triển
Ông Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân
Tăng trưởng GDP ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách. Để có thể duy trì được mức tăng trưởng cao trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống, việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng. Hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ, khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế. Mặt khác, hệ thống thể chế cũng cần bảo đảm sự phân phối thành quả kinh tế một cách công bằng, thúc đẩy sự phát triển bao trùm và mở rộng.
Nếu Việt Nam không bước vào một quỹ đạo mới trong giai đoạn 5 - 10 năm tới, cơ hội trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trôi qua. Trong bối cảnh cửa sổ dân số vàng sắp khép lại, việc không cải cách thể chế đồng nghĩa với việc đánh mất động lực tăng trưởng. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng đến trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Nhìn tổng thể, thể chế kinh tế vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách, để thực sự trở thành bệ đỡ cho giai đoạn phát triển tiếp theo.