Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đề xuất nhiều chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 13/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan toả lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026 - 2030 của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: nhóm quản lý đầu tư (2 chính sách); nhóm quản lý tài chính, nhóm ngân sách nhà nước (4 chính sách); nhóm quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường (9 chính sách); nhóm quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); nhóm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP. Hải Phòng quản lý (1 chính sách); thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại TP. Hải Phòng (17 chính sách).

Tại Dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất cho phép thành lập Khu thương mại tự do tại TP. Hải Phòng. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất phân cấp cho UBND TP. Hải Phòng quyết định thành lập Khu thương mại tự do. Quy định này phù hợp chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong Khu thương mại tự do thế hệ mới Hải Phòng, Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi như: đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế...

Để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu thương mại tự do tại TP. Hải Phòng, Dự thảo Nghị quyết quy định Ban Quản lý khu kinh tế TP. Hải Phòng được thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Hải Phòng. Đồng thời, giao thẩm quyền cho Ban quản lý giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào Khu thương mại tự do Hải Phòng.

Tin cùng chuyên mục