Số lượng vắc xin tiêm chủng mở rộng (tiêm bù năm 2023 và trong 6 tháng đầu năm 2024) đã hoàn thành đặt hàng từ nhà sản xuất trong nước (nguồn: Bộ Y tế). Đơn vị tính: triệu liều |
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc xin, những vướng mắc về nguồn vốn cơ bản đã được tháo gỡ. Công tác đấu thầu mua sắm và đặt hàng vắc xin được đẩy nhanh tiến độ.
Trong đó, Gói thầu Mua sắm vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin nhập khẩu 5 trong 1) đã được tổ chức đấu thầu từ tháng 10/2023. Vì Gói thầu có duy nhất một nhà thầu tham dự - Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), mà hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu, nên buộc phải hủy thầu. Để tiếp tục triển khai công tác lựa chọn nhà thầu mua vắc xin trong năm 2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 224/NQ-CP cho phép tiếp tục sử dụng nguồn ngân sách của năm 2023 và sử dụng ngân sách của năm 2024 để thực hiện mua sắm vắc xin, bảo đảm thực hiện Chương trình TCMR.
Đối với 10 loại vắc xin sử dụng trong Chương trình TCMR được mua từ các nhà sản xuất trong nước theo cơ chế đặt hàng, theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngay khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế phê duyệt giá 10 loại vắc xin sản xuất trong nước, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện ký hợp đồng đặt hàng. Trong đó, 9 loại vắc xin đã đủ để tiêm chủng bù cho trẻ em chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024. Riêng hơn 0,549 triệu liều vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp dự kiến được triển khai từ quý II/2024.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các loại vắc xin trên sẽ được Viện tiếp nhận, nhanh chóng phân bổ và chuyển đến các địa phương trong những ngày đầu tháng 1/2024.
Theo tìm hiểu, trong số 10 loại vắc xin sản xuất trong nước, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế thuộc Bộ Y tế (Polyvac) được đặt hàng 4 loại vắc xin, gồm: 4,98 triệu liều vắc xin bại liệt uống nhị liên (OPV); 1,7 triệu liều vắc xin phối hợp sởi - rubella (MRVAC); 1,9 triệu liều vắc xin sởi (MVVAX) và 0,549 triệu liều phòng bệnh tiêu chảy cấp - Rota (Rotavin-M1).
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Polyvac cho biết, vắc xin Rota mới được đưa vào Chương trình TCMR để tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi nên công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian hơn. Về phía nhà sản xuất, Polyvac đã sản xuất xong tất cả số vắc xin đã được đặt hàng.
Ngoài Polyvac, một số nhà sản xuất trong nước khác cũng được đặt hàng cung ứng vắc xin cho Chương trình. Trong đó, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cung ứng 1,5 triệu liều vắc xin phòng lao - BCG; hơn 1,472 triệu liều vắc xin phòng uốn ván; 1,377 triệu liều vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td); 1,531 triệu liều vắc xin phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT). Ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, mọi thủ tục đã hoàn tất. Ngay trong tuần này, IVAC sẽ giao hàng tại Hà Nội và TP.HCM…
Để tránh lặp lại tình trạng gián đoạn vắc xin TCMR như thời gian qua, ông Hiền cho rằng, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần sớm lên kế hoạch mua sắm theo hình thức đấu thầu hay đặt hàng để nhà sản xuất chủ động lên kế hoạch sản xuất kịp thời, bởi thông thường phải mất từ 3 đến 4 tháng để sản xuất (tùy từng loại vắc xin).
Muốn cung ứng vắc xin ổn định và bền vững cho Chương trình, theo ông Thái, cần có kế hoạch sử dụng và chính sách phù hợp hơn. Việc hoạch định chính sách phải đảm bảo nguyên tắc: “nguồn cung đủ, kinh phí đủ, đối tượng đúng, triển khai đúng và kiểm soát được”.
Để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vắc xin cho Chương trình TCMR từ năm 2024, theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 99/2023/QH15 về việc bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình TCMR quốc gia bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước.