Tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng xảy ra ở một số địa phương từ cuối năm 2022 và trên diện rộng vào đầu năm 2023. Ảnh minh họa: NC |
Vắc xin 5 trong 1 phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu cục bộ từ cuối năm 2022 ở một số địa phương và trên diện rộng vào đầu năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong việc chuyển đổi cơ chế mua sắm vắc xin từ ngân sách trung ương sang địa phương bằng nguồn chi thường xuyên. Để khắc phục tình trạng này, ngày 10/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình TCMR cho tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Trong thời gian chờ đợi công tác mua sắm, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã tài trợ vắc xin 5 trong 1 để kịp thời triển khai tiêm chủng cho trẻ. Cụ thể, tháng 7/2023, WHO và UNICEF trao tặng 185.700 liều, Sacombank tài trợ 72.300 liều… Giữa tháng 12/2023, 490.600 liều DPT-VGB-Hib (SII) do Chính phủ Australia tài trợ đã về đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện Văn phòng TCMR Quốc gia, số vắc xin này dự kiến chỉ đủ sử dụng trong 1 - 2 tháng tới.
Quay trở lại với việc mua sắm, sau khi điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ, ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chờ Bộ Tài chính xem xét, thẩm định phương án giá tối đa để phê duyệt phương án giá cụ thể mua sắm theo hình thức đặt hàng đối với 10 loại vắc xin sản xuất trong nước.
Đối với vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức mua sắm. Ngày 16/10/2023, kế hoạch lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua vắc xin DPT-VGB-Hib sử dụng cho chương trình TCMR từ nguồn ngân sách nhà nước cấp năm 2023 được phê duyệt với giá 110,6 tỷ đồng, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Nhưng việc lựa chọn nhà thầu đã không được thuận lợi như mong muốn.
Cụ thể, hồ sơ mời thầu (HSMT) của Gói thầu được phát hành từ ngày 31/10/2023 và đóng thầu ngày 20/11/2023. Theo yêu cầu của HSMT, số lượng vắc xin DPT-VGB-Hib cần mua sắm là 2,8 triệu liều để cung cấp cho 63 tỉnh/thành phố trong cả nước với thời hạn cung cấp kết thúc trước ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu, Gói thầu không có nhà thầu nào gửi hồ sơ dự thầu. Sau khi gia hạn đóng thầu đến ngày 27/11/2023, có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu là Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VIBIOTECH). Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy, hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu của HSMT.
“Bên mời thầu đã thực hiện đúng quy định, đánh giá dựa trên những yêu cầu đặt ra tại HSMT. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xin ý kiến và đang chờ chỉ đạo của Bộ Y tế về phương án triển khai tiếp theo”, cán bộ phụ trách Gói thầu cho biết.
Việc VIBIOTECH trượt thầu là diễn biến khá bất ngờ, bởi trong những năm gần đây, nhà thầu này từng trúng một số gói thầu cung cấp vắc xin DPT-VGB-Hib.
Đơn cử năm 2021, VIBIOTECH trúng Gói thầu Mua 2.000.000 liều vắc xin DPT-VGB-Hib thuộc Dự toán Mua sắm vắc xin DPT-VGB-Hib và nhiệt kế từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương năm 2021 với giá trị thực hiện/giá trúng thầu là 68,344 tỷ đồng.
Năm 2020, VIBIOTECH trúng Gói thầu Mua 2.000.000 liều vắc xin DPT-VGB-Hib với giá trị thực hiện là 63,92 tỷ đồng (giá trúng thầu 68,344 tỷ đồng). Năm 2018, VIBIOTECH trúng Gói thầu Mua 5.085.700 liều vắc xin DPT-VGB-Hib thuộc Nhóm 5 theo quy định tại Thông tư số 11/2016 TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ Y tế với giá trị thực hiện/giá trúng thầu là 162,538 tỷ đồng.
Ngoài VIBIOTECH, từ năm 2018 đến nay, một số nhà thầu khác cũng từng tham dự và cạnh tranh với VIBIOTECH như Công ty CP Vắc xin và Sinh phẩm Nam Hưng Việt (gói thầu năm 2021), Công ty CP Thiết bị y tế Medinsco (gói thầu năm 2020). Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện của hai doanh nghiệp đều cho biết, hiện nay họ không kinh doanh mặt hàng vắc xin này nữa.