Kỳ vọng “giải cơn khát” vật tư, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 24/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2023”. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự, chỉ đạo Hội nghị nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu trầm trọng vật tư, thiết bị y tế, gỡ khó cho các cơ sở y tế, nhà thầu và người bệnh.
Số lượng hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao của nhiều cơ sở y tế chỉ còn đủ dùng trong thời gian ngắn. Ảnh: Tiên Giang
Số lượng hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao của nhiều cơ sở y tế chỉ còn đủ dùng trong thời gian ngắn. Ảnh: Tiên Giang

“Đóng băng” mua sắm, đấu thầu vật tư, thiết bị y tế

Theo phản ánh của các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn đầu ngành tại Hà Nội, tất cả các hoạt động khám chữa bệnh đều đang cầm chừng vì số lượng hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao chỉ còn đủ dùng trong thời gian ngắn, tính bằng ngày, bằng tuần. Giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội đã gọi tình trạng này là “cấp cứu của cấp cứu”. Trong khi đó, từ đầu năm 2023 đến nay, hàng trăm gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế trên cả nước liên tục phải gia hạn, hủy thầu.

Dù Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gia hạn đóng thầu Gói thầu Cung cấp hóa chất, vật tư tiêu hao cho xét nghiệm sinh hóa năm 2022 - 2023 (đợt 2) từ ngày 16/1/2023 tới ngày 9/2/2023 nhưng vẫn không có nhà thầu tham dự. Gói thầu đang tiếp tục được gia hạn đến ngày 9/3/2023.

Nhiều bệnh viện khác trên cả nước cũng rơi vào tình trạng tương tự, buộc phải hủy thầu sau nhiều lần gia hạn mà không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Đơn cử, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa vừa hủy liên tiếp 2 gói thầu, gồm: Gói thầu 8 danh mục vật tư tiêu hao dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn và Gói thầu 38 danh mục vật tư tiêu hao dùng chung. Bệnh viện Dệt may hủy Gói thầu Hóa chất, vật tư xét nghiệm năm 2022 lần 2. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên hủy Gói thầu số 6 Mua vật tư răng năm 2023…

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng “đóng băng” thị trường mua sắm, đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, theo bà Trương Thị Tố Hoa, Trưởng ban Pháp chế - Tiểu ban Trang thiết bị y tế và Chẩn đoán thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), chủ yếu là do hóa chất, vật tư, thiết bị y tế hết hạn giấy phép nhập khẩu hoặc giấy đăng ký lưu hành từ ngày 30/12/2022 theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP nên không được phép lưu thông, không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu, dù hàng đã được nhập về, đang chờ ở cảng. Mặc dù các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, đăng ký mới giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo một nhà thầu thiết bị y tế đóng trên địa bàn Hà Nội, do không lựa chọn được nhà thầu cung cấp hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao, linh kiện thay thế, sửa chữa trang thiết bị y tế, nên hầu hết các máy đặt, máy mượn, máy liên doanh, liên kết (phục vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm…) đều rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, không thể hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Cấp bách gỡ vướng

Trước sức ép của nhu cầu khám chữa bệnh, nhiều bệnh viện buộc phải thực hiện giải pháp “cực chẳng đã” là dừng hợp đồng và phạt nhà thầu vi phạm tiến độ cung ứng với việc thu hồi bảo lãnh tại ngân hàng để lựa chọn nhà thầu thay thế kịp thời. Dù cố gắng thương lượng thêm thời gian hay tài trợ mặt hàng thay thế tạm thời, nhưng rốt cuộc, nhà thầu cũng phải đành lòng chấp nhận hình phạt này. Ví dụ gần đây là Bệnh viện Chợ Rẫy đã ra quyết định dừng hợp đồng Gói thầu Cung cấp vôi soda (phục vụ phòng mổ) với Công ty TNHH MTV Huệ Chi.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế cho biết, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP. Trong đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn về việc gia hạn giấy phép nhập khẩu, số lưu hành, tiết giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa để tiếp cận nhanh nhất các thiết bị kỹ thuật cao, công nghệ mới, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Ngày 10/2/2023, Bộ Y tế đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị định. Thời hạn để các bộ, ngành cho ý kiến về nội dung giải trình của Bộ Y tế là trước ngày 21/2/2023.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2023”, một trong những nội dung được đề cập là công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ…; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực. Hội nghị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, trong đó có việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP.

Tin cùng chuyên mục