Kỳ vọng sự bứt phá của khu vực tư nhân

(BĐT) - Chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 và các tháng đầu năm 2017. Nhiều đại biểu nhận xét, kết quả của năm 2016 là tích cực trong bối cảnh phải thực hiện nhiều công việc. 
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao giải pháp tạo niềm tin cho doanh nghiệp của Chính phủ trong năm 2016. Ảnh: Lê Tiên
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao giải pháp tạo niềm tin cho doanh nghiệp của Chính phủ trong năm 2016. Ảnh: Lê Tiên

Song, một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, nếu 2 năm đầu của kế hoạch 5 năm không đạt thì sẽ dồn áp lực cho 3 năm còn lại dẫn tới việc hoàn thành kế hoạch 5 năm gặp khó khăn.

Nhiều nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng

Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, đại biểu Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng) nhìn nhận, năm 2016 phải thực hiện nhiều công việc (Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 12), sau đó thay đổi hàng loạt cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành, tới tháng 4/2017 mới kiện toàn. Sau kiện toàn thì đa số là người mới, có người lần đầu tiên giữ vai trò bộ trưởng đã dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, năm 2016 thiên tai nghiêm trọng lần đầu tiên trong vòng 100 năm xảy ra tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khiến 10/13 tỉnh phải công bố thảm họa thiên tai, có tỉnh lần đầu tiên tăng trưởng âm. Song, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần qua từng quý là một trong những dấu hiệu đáng khích lệ của năm 2016.

Một số đại biểu của đoàn Hà Nội (Nguyễn Quốc Bình, Hoàng Văn Cường) đánh giá cao tinh thần quyết tâm, giải pháp tạo niềm tin cho doanh nghiệp (DN) của Chính phủ trong năm 2016. Việc CPI trong năm 2016 giữ ổn định và kết quả tăng trưởng GDP đạt 6,21% đã mang lại kết quả thực chất trong phát triển kinh tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trước đây kinh tế dựa vào 2 trụ cột là vốn và khai thác tài nguyên. “Nay dừng lại, đều giảm cả thì đương nhiên ảnh hưởng đến GDP. Chuyển mô hình sang nâng cao chất lượng, nhưng không thể ngay lập tức, tất yếu phải có giai đoạn dừng của tăng trưởng”, ông Cường nói. 

Trông cậy vào đâu?

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì vẫn còn dư địa để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% với lập luận vẫn còn dư địa đầu tư công đã được Quốc hội phê duyệt trong kế hoạch tài chính 5 năm. Ngoài ra, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước lên một bước nữa. Đại biểu này dẫn ví dụ về việc 20.000 viên thuốc ung thư trị giá 14 tỷ đồng đã bị hủy do thủ tục hành chính là dấu hiệu cán bộ, công chức của chúng ta không thể hiện hết tinh thần công bộc của người dân như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Đưa ra giải pháp cho tăng trưởng kinh tế năm 2017, đại biểu Phạm Quang Thanh (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, phải thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, vì đây là khu vực hoạt động hiệu quả nhất. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết, việc phát triển khu vực này đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi khi có 3 động lực hỗ trợ kinh tế tư nhân, đó là Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết 35 tổng kết 1 năm tinh thần khởi nghiệp với sức vươn lên của DN đóng góp tăng trưởng; việc Quốc hội dự kiến thông qua Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM), cần đánh giá thêm 1 chỉ tiêu nữa là tốc độ vòng quay tài sản. Bởi khi nền kinh tế quy mô nhỏ, vốn ít thì tốc độ tăng vòng quay tài sản sẽ phản ánh hiệu quả của việc đưa vốn vào đầu tư, vào nền kinh tế. Nếu nền kinh tế còn phụ thuộc vào vốn mà tốc độ quay vòng không nhanh thì sẽ để lại tác động tiêu cực. “Tốc độ quay vòng tài sản cần phải tính trên cấp độ ngành và nền kinh tế, theo dõi xem ngành nào có lượng vốn đưa vào nhanh, lý do nhanh/chậm như thế nào”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Quang Thanh cảnh báo, Chính phủ rất quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng là 6,7% trong năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân khách quan. Do đó, Quốc hội phải đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về các giải pháp để đạt mục tiêu trên.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, tăng năng suất lao động, hạn chế nợ xấu phát sinh…