Lãi suất của Mỹ góp phần vào "khủng hoảng nợ thầm lặng" ở các nước đang phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, nhiều nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng" khi phải vật lộn với tác động của lãi suất cao ở Mỹ đối với tình hình tài chính vốn đã mong manh của mình.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sau đợt bán tháo mạnh vào năm ngoái do lãi suất toàn cầu tăng nhanh và đồng USD mạnh lên, nợ bằng ngoại tệ của các thị trường mới nổi đã phải chật vật để phục hồi khi giới đầu tư dự báo chi phí đi vay sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Điều đó khiến tỷ lệ các quốc gia mới nổi và đang phát triển có chi phí vay cao hơn Mỹ hơn 10 điểm phần trăm là 23%, cao hơn nhiều so với mức 5% trong năm 2019, cho thấy những căng thẳng mà các nền kinh tế này hiện đang phải chống chịu.

Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết: "Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ từng là một "cơn ác mộng" đối với các nước thu nhập thấp có mức nợ cao. Với những thách thức đã được xác định rõ ràng mà các nền kinh tế này đang phải đối mặt khi cần gia hạn nghĩa vụ trả nợ, chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng đang diễn ra".

Chi phí đi vay cao hơn dự kiến sẽ tác động nghiêm trọng tới các quốc gia có thu nhập thấp, bởi nhiều quốc gia trong số đó đã phải gánh những khoản nợ lớn trong đại dịch Covid-19.

Lợi suất cao đồng nghĩa với khoản thanh toán lãi lớn hơn cho khoản nợ mới phát sinh, điều này có thể làm tăng tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu chính phủ vay nhiều hơn để tài trợ cho các khoản thanh toán đó.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gánh nặng nợ chính phủ trung bình của các thị trường mới nổi và các nước thu nhập trung bình sẽ vượt mức 78% GDP vào năm 2028, so với mức chỉ hơn 53% một thập kỷ trước đó.

Trong khi nhiều nền kinh tế mới nổi lớn hơn đã vượt qua việc tăng chi phí vay, những nền kinh tế nhỏ hơn và tài chính mỏng manh đang gặp khó khăn.

Sự gia tăng lợi suất cũng khiến nhiều quốc gia có thu nhập thấp không thể tiếp cận nguồn tài chính quốc tế, đẩy những nước như Ghana và Sri Lanka vào tình trạng vỡ nợ và khiến nhiều quốc gia khác đứng bên bờ vực.

Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết: "Một nhóm nhỏ các quốc gia mới nổi và đang phát triển yếu hơn "vừa bị loại khỏi thị trường trái phiếu bằng đồng USD". Đó là một môi trường mà chỉ những thị trường mới nổi mạnh hơn mới có đủ khả năng vay bằng đồng USD".

Các nhà phân tích cho biết, nếu lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài, chi phí đi vay có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, khiến các nền kinh tế khó phát triển hơn để thoát khỏi căng thẳng nợ nần. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia như Ai Cập và Kenya, những quốc gia đều có trái phiếu đáo hạn vào năm tới và phải đối mặt với viễn cảnh khó khăn khi cố gắng tái cấp vốn với lãi suất cao hơn.

Lãi suất cao hơn của Mỹ cũng làm giảm khả năng các nền kinh tế mới nổi tự cắt giảm lãi suất ngay cả khi lạm phát trong nước giảm, vì điều này có thể làm suy yếu đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, dẫn đến lạm phát thông qua giá nhập khẩu cao hơn.

Một số nền kinh tế mới nổi đã phản ứng nhanh hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương phương Tây trước mối đe dọa lạm phát vào năm 2021 và đã bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, các quốc gia bao gồm Hungary và Chile đã giảm tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây, một phần để hỗ trợ đồng nội tệ của họ khi đối mặt với tỷ giá cao hơn của Mỹ.

Khối lượng nợ ngoại tệ phát hành tại các thị trường mới nổi đã giảm đáng kể trong hai năm qua do chi phí vay tăng cao. Theo Dealogic, các thị trường mới nổi đã phát hành khoảng 360 tỷ USD nợ ngoại tệ trong năm nay, sau khi phát hành 380 tỷ USD vào năm 2022. Các con số này thấp hơn nhiều so với những đợt phát hành từ 700 - 800 tỷ USD mỗi năm trong 3 năm trước đó.

Tin cùng chuyên mục