Làm gì để giải phóng tồn kho bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước hiện lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi rất nhiều chủ đầu tư xoay sở mọi cách để bán hàng nhằm thu hút dòng tiền song rất cam go. Tình trạng này lâu nay không có gì mới nhưng trong bối cảnh đói vốn như hiện nay, khiến cho nhiều doanh nghiệp thêm phần kiệt quệ.
Lượng hàng bất động sản tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Bảo Tín
Lượng hàng bất động sản tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Bảo Tín

Thanh khoản liên tục lao dốc

Báo cáo nghiên cứu thị trường do DKRA Group vừa công bố cho thấy, lượng tiêu thụ mới trong tháng 8/2023 ở tất cả các phân khúc đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ và bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Cá biệt, ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, sức cầu thị trường ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ trong tháng 8 vừa qua, mà tính chung từ đầu năm đến nay, thanh khoản trên thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, kết thúc quý II/2023, lượng tồn kho bất động sản trên cả nước tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước và giá trị tồn kho bất động sản hiện lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng 10 doanh nghiệp bất động sản nhà ở đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, lượng hàng tồn kho đến hết quý II năm nay đã lên đến con số hơn 270.000 tỷ đồng.

Xếp theo thứ tự doanh nghiệp có hàng tồn kho từ cao đến thấp, trong số này gồm: Novaland với khoảng 139.000 tỷ đồng, Vinhomes khoảng 55.000 tỷ đồng, Nam Long trên 16.200 tỷ đồng, Đất Xanh khoảng 14.800 tỷ đồng, Khang Điền gần 12.700 tỷ đồng, Phát Đạt gần 12.170 tỷ đồng, An Gia khoảng 3.350 tỷ đồng…

Điểm chung của những doanh nghiệp có hàng tồn kho nhiều là do sản phẩm tại những dự án với quy mô lớn gặp khó khăn trong vấn đề bán hàng. Đáng nói, nguyên nhân chính không phải xuất phát từ yếu tố chủ quan của các chủ đầu tư mà phần lớn đến từ yếu tố khách quan như vướng mắc pháp lý, hạn chế tín dụng, thị trường đang rơi vào chu kỳ trầm lắng. Đây là một trong những áp lực lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư cho biết, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa xuống tiền mua nhà. Trong khi điều kiện vay tín dụng ngân hàng ngày càng có xu hướng thắt chặt để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính hai mắt xích cơ bản này đã khiến cho sự ảm đạm của thị trường chưa được phá tan.

Trông chờ chính sách

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Group cho hay, do dự báo tính thanh khoản của thị trường còn thấp, nên động thái của nhiều chủ đầu tư thời gian qua đã thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, việc nhiều chủ đầu tư tập trung tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau thời gian chịu tác động bởi những bất ổn kinh tế cũng như sức ép đáo hạn trái phiếu giai đoạn cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng nhìn nhận, trong quý II/2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án bất động sản phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.

Do vậy, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Niềm tin nhiều nhất được các doanh nghiệp bất động sản trông chờ vào lúc này là sự điều chỉnh các chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản, tháo gỡ các khó khăn về thủ tục pháp lý dự án. Ảnh: Bảo Tín

Niềm tin nhiều nhất được các doanh nghiệp bất động sản trông chờ vào lúc này là sự điều chỉnh các chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản, tháo gỡ các khó khăn về thủ tục pháp lý dự án. Ảnh: Bảo Tín

Đứng trước những khó khăn trên, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở bảo đảm sản xuất, kinh doanh, hiệu quả. Theo đó, tiếp tục quyết liệt trong triển khai thực hiện việc chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, loại bỏ tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế nói chung và việc tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các dự án, thị trường bất động sản nói riêng trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, tất cả những chính sách luôn có độ trễ. Và độ trễ này suy cho cùng cũng xuất phát từ những người thực thi công vụ mà ra.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, niềm tin nhiều nhất được các doanh nghiệp bất động sản trông chờ vào lúc này là sự điều chỉnh các chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản, tháo gỡ các khó khăn về thủ tục pháp lý dự án. Cho nên, để giúp khơi thông nguồn lực đầu tư cho các dự án, giải quyết bài toán cung - cầu thị trường và hạn chế lượng hàng tồn kho tăng cao, cần có những sửa đổi phù hợp Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật liên quan khác.

Nhiều chủ đầu tư chia sẻ, thời gian qua, có nhiều dự án đang đền bù hoặc xây dựng dở dang bị vướng pháp lý nên đình trệ kéo dài. Không ít doanh nghiệp ở trong tình trạng này bị chôn vốn quá lâu dẫn đến kiệt quệ về tài chính. Những nguyên nhân như thế này nếu không được tháo gỡ sớm, sẽ dẫn đến gia tăng hàng tồn kho bất động sản, khiến doanh nghiệp không biết làm gì với đống tài sản trước mặt.

Tin cùng chuyên mục