Lạm phát "xuống thang" gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải xoay trục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chưa đầy 2 năm sau khi bị chỉ trích là hành động quá chậm đối với làn sóng giá cả tăng phi mã, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục bị chỉ trích là phản ứng quá chậm chạp trước những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lạm phát đang tan biến.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Một số nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo rằng, nếu chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế đang suy yếu, đặc biệt tại khu vực đồng Euro vốn đã trì trệ trong cả năm nay, hoặc gây khó khăn cho các chính phủ nặng nợ như Ý.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận trong tuần trước sau khi lạm phát tại khu vực đồng Euro giảm xuống 2,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và tiến gần tới mục tiêu 2% của ngân hàng này. Các cuộc tranh luận tương tự đang diễn ra ở Mỹ và Anh, ngay cả khi lạm phát ở đó vẫn chưa giảm xuống mức thấp.

"Câu hỏi đặt ra là ngân hàng trung ương lớn nào có nguy cơ mắc sai lầm chính sách ở đây và đối với tôi, rất có thể đó là ECB, vì lạm phát sẽ giảm nhanh chóng", Innes McFee, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Oxford Economics, cho biết.

Giới kinh tế hiện kỳ vọng ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa đầu năm 2024. Dirk Schumacher, cựu chuyên gia kinh tế của ECB làm việc cho Ngân hàng Natixis của Pháp cho biết, lạm phát tại khu vực đồng Euro đang trên đà chạm mức 2% vào mùa xuân tới. Tuy nhiên, nỗi lo sợ của các nhà hoạch định chính sách về việc đánh giá thấp lạm phát một lần nữa khiến họ "sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút để đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm".

Ông Dirk Schumacher dự đoán, ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 và sau đó tiến hành cắt giảm 0,25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp vào năm tới.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Fabio Panetta đã ám chỉ trong tuần trước rằng, lãi suất có thể cần phải sớm được cắt giảm "để tránh những thiệt hại không cần thiết đối với hoạt động kinh tế và rủi ro đối với sự ổn định tài chính".

Trong khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ Pháp nhanh chóng phục hồi sau những bình luận của Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này François Villeroy de Galhau, khiến các nhà đầu tư đặt cược vào việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong vài tháng đầu năm tới. Ông François Villeroy de Galhau cho biết: "Việc cắt giảm lãi suất có thể được thảo luận trong năm 2024, không phải là bây giờ".

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách lại có quan điểm khác. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel, việc số liệu lạm phát giảm trong tuần trước là không đủ để loại trừ khả năng chi phí đi vay có thể còn tăng cao hơn nữa. Ông Joachim Nagel cảnh báo, "còn quá sớm để nghĩ đến khả năng giảm lãi suất cơ bản".

Lập luận đó đã nhận được sự ủng hộ từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhà kinh tế trưởng tại OECD Clare Lombardelli cho rằng, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ không thể cắt giảm lãi suất cho đến năm 2025 do lạm phát còn dai dẳng bởi áp lực tiền lương.

Các ngân hàng trung ương cũng nhận thức rõ rằng bối cảnh nhu cầu chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và khó khăn tiếp tục kéo dài đối với những người đi vay thế chấp sẽ gây áp lực chính trị buộc phải giảm lãi suất. Đó là trường hợp đặc biệt khi Anh đang bước vào một năm bầu cử. Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của BoE cho biết, chỉ số giá toàn phần giảm có thể tạo ra hiểu lầm rằng mối đe dọa lạm phát đã đi qua.

Theo ông Huw Pill, thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là đảm bảo có đủ "kiên trì" trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ vào thời điểm sẽ có "rất nhiều áp lực" để tuyên bố chiến thắng lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Internet

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Internet

Tại Mỹ, nơi tăng trưởng vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu, Cục Dự trữ liên bang (Fed) hầu như không dao động với quan điểm chu kỳ tăng lãi suất có thể chưa kết thúc và những người mong đợi việc cắt giảm sẽ cần phải kiên nhẫn.

"Sẽ còn quá sớm để kết luận một cách tự tin rằng chúng tôi đã đạt được trạng thái đủ hạn chế hoặc suy đoán về thời điểm chính sách có thể được nới lỏng. Chúng tôi sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu điều đó phù hợp", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết.

Sự do dự này phản ánh mong muốn của Fed trong việc bảo vệ uy tín của mình bằng cách tránh phải đảo ngược tiến trình nếu áp lực giá cả vẫn ở mức cao.

Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Economics cho rằng, một lý do khác dẫn đến "chần chừ" của Fed là lo ngại về việc một lần nữa đánh giá sai quỹ đạo lạm phát. Fed từng bị chỉ trích rộng rãi vì không lường trước được vấn nạn gia tăng giá cả sau đại dịch.

Tuy nhiên, với hoạt động kinh tế giảm tốc, nhu cầu lao động suy yếu và tăng trưởng tiền lương chậm lại, ông Ian Shepherdson nhận định, Fed hiện có rủi ro mắc sai lầm khác là đánh giá thấp tốc độ giảm phát. Ông kỳ vọng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất chính sách từ mức hiện tại 5,25 - 5,5% khoảng 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024 và giảm thêm 1,25 điểm phần trăm nữa vào năm 2025.

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách cho rằng, vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

"Đây chưa phải là lúc bắt đầu tuyên bố chiến thắng lạm phát. Chúng ta cần tiếp tục tập trung vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu và không vội đưa ra kết luận sớm dựa trên những diễn biến ngắn hạn", Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận xét.

Tại khu vực đồng Euro, phần lớn cuộc tranh luận hiện nay xoay quanh lạm phát cơ bản, loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc tính lạm phát cơ bản hằng năm trong ba tháng qua cho thấy nó đã giảm xuống gần mức mục tiêu của ECB. Nhưng những người khác nhắc đến các yếu tố không ổn định, đồng thời cho rằng mức tăng lương nhanh chóng sẽ khiến lạm phát tăng cao trong năm tới.

"Áp lực của công chúng đối với ECB sẽ tăng lên, đặc biệt là từ các quốc gia thành viên mắc nợ cao. Tuy nhiên, ECB nên chống lại áp lực đó", nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Commerzbank của Đức Jörg Krämer cho biết và dự đoán, lạm phát cơ bản của khu vực đồng Euro sẽ ổn định ở mức khoảng 3% trong năm tới.