Làm quy hoạch kiểu cũ đất nước không thể phát triển

(BĐT) - “Giữ nguyên cách làm quy hoạch trước đây thì giữ nguyên quyền lực ai cũng thích, nhưng dân không chịu được nữa, đất nước không thể tồn tại, phát triển”.
Quy hoạch khu du lịch Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho thấy hệ quả rất lớn từ việc lập quy hoạch phát triển không gắn với khả năng đáp ứng của nguồn lực tài chính.  Ảnh: Tường Lâm
Quy hoạch khu du lịch Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho thấy hệ quả rất lớn từ việc lập quy hoạch phát triển không gắn với khả năng đáp ứng của nguồn lực tài chính. Ảnh: Tường Lâm

PGS. TS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và kiến trúc – Bộ Xây dựng từng trao đổi khi bàn về Dự thảo Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch – một dự Luật được đánh giá là vô cùng cần thiết để chặn tình trạng quy hoạch chồng chéo, không cần thiết, gây lãng phí, cản trở phát triển, thế nhưng đã rất “gian nan” trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến vì vướng vào lợi ích của nhiều bộ, ngành.

Cách làm trước đây của chúng ta là từng bộ, từng ngành làm những quy hoạch riêng của mình để thực hiện chiến lược phát triển các ngành mình quản lý. Về lý thuyết, các bộ, ngành chủ quản xây dựng bản quy hoạch phải lấy ý kiến của các bộ, ngành khác. Nhưng thực tế cho thấy, sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành khác hầu như rất ít và thường không đầy đủ, không có sự phản biện tranh luận để có sự phân bổ sử dụng tối ưu các nguồn lực đất đai, tài nguyên của đất nước, dẫn đến khi thực hiện thường chồng chéo, mâu thuẫn. Những bản quy hoạch như vậy không sát với thực tế cuộc sống của người dân, doanh nghiệp nên xảy ra tình trạng sửa quy hoạch khá tùy tiện và không có thông tin giải trình.

Các ngành đều được giao làm quy hoạch ngành và sau đó ở một số ngành xuất hiện việc ngành phối hợp với doanh nghiệp lớn trong ngành đó lập quy hoạch. Đây chính là điểm hở để ngành đó và doanh nghiệp đó cài cắm các điều khoản quy định có lợi cho mình vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “vào - ra” quy hoạch một cách thiếu căn cứ hay tình trạng xin - cho dự án đầu tư tùy tiện.

Ngoài ra, trong số gần hai chục nghìn quy hoạch đã được lập, rất nhiều trong số đó là những bản quy hoạch vẽ ra cho có, chất lượng quy hoạch thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng và nguồn lực thực hiện, nên trở thành quy hoạch treo, cản trở sự phát triển, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Có hàng loạt ví dụ thực tế về những quy hoạch như vậy. Quy hoạch khu du lịch Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho thấy hệ quả rất lớn từ việc lập quy hoạch phát triển không gắn với khả năng đáp ứng của nguồn lực tài chính. Quy hoạch từ 12 năm trước với tổng diện tích 135 ha, nhưng cho đến nay khu du lịch Cửa Tùng mới chỉ được đầu tư một đoạn đường dài 300m. Diện tích quy hoạch trùm lên đất của hàng trăm hộ dân tại thị trấn Cửa Tùng, phần lớn trong số đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả các hộ dân tại khu vực này đều rơi vào cảnh khốn khổ vì “quy hoạch treo” 12 năm qua. Khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là khu vực rộng hàng chục ha nằm gần bãi tắm Cửa Tùng với hàng chục công trình xây dở dang nằm phơi mưa phơi nắng suốt 12 năm qua, hầu hết đều mới chỉ xây được phần móng.

Hay câu chuyện lãng phí khác là hàng loạt dự án du lịch của tỉnh Bình Thuận đã được cấp phép, thậm chí có dự án đang triển khai, nhưng rồi buộc phải dừng lại chỉ vì bị trùng phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sẽ không có gì đáng nói nếu việc khai thác quặng titan được tiến hành, nhưng đằng này, đó vẫn là quy hoạch treo. Hệ lụy là hàng loạt dự án trong các lĩnh vực khác, từ du lịch đến điện mặt trời, điện gió… đều phải nằm im chờ đợi. Chi phí cơ hội mất đi trong những trường hợp như thế này là khôn lường.

Thực tế đó không khó để nhìn ra và đã được phản ánh rất nhiều. Thế nhưng, phải sau đến 6 - 7 năm từ khi bắt đầu nghiên cứu, đến nay dự thảo Luật Quy hoạch mới có thể đưa lên Quốc hội thông qua vào kỳ họp này. Thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch trên nghị trường sáng nay (26/5), đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch, để quy hoạch phải thực sự vì lợi ích quốc gia.

Theo nhiều chuyên gia, đây là một dự luật rất cần thiết và không thể chậm trễ ban hành, vì đất nước đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, để vượt bẫy thu nhập trung bình, cần khai thác hiệu quả các nguồn lực.

“Dự thảo Luật Quy hoạch là sáng kiến quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quy hoạch mà tôi từng biết trong suốt hơn 20 năm là nhà tư vấn quy hoạch đô thị tại Việt Nam. Nếu dự thảo Luật này được thông qua sẽ là nhân tố thúc đẩy cuộc cải cách không ngừng của toàn bộ hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển của Việt Nam”, ông Lawrie Wilson - Chuyên gia quốc tế về quy hoạch đánh giá.

Tin cùng chuyên mục