Bản tin thời sự sáng 6/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội thông xe cầu vượt thép nút Mai Dịch; ngân hàng đại hạ giá các khoản nợ của doanh nghiệp điện gió; Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay; Lọc hoá dầu Bình Sơn thu gần 4 tỷ đồng mỗi ngày từ lãi gửi ngân hàng…

Hà Nội thông xe cầu vượt thép nút Mai Dịch

Sáng 6/5, cầu thép tại nút giao Mai Dịch thông xe sau hơn một năm thi công nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở nút giao trọng điểm này.

Hai cầu thép được xây dựng hai bên cầu vượt Mai Dịch cũ

Hai cầu thép được xây dựng hai bên cầu vượt Mai Dịch cũ

Hạng mục cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch thuộc dự án vành đai 3 trên cao Nam Thăng Long - Mai Dịch, có tổng mức đầu tư 342 tỷ đồng. Mỗi bên cầu thép rộng 7,7 m, bố trí một làn xe cơ giới rộng 3,5 m và một làn xe máy rộng 2,75 m. Người đi bộ, đi xe đạp, xe thô sơ bị cấm lên cầu.

Sau khi thông xe, cầu Mai Dịch cũ được tách thành trục cao tốc, kết nối với vành đai 3 trên cao. Tốc độ lưu hành cho phép đối với phương tiện trên cầu Mai Dịch cũ (đường cao tốc) và hai đơn nguyên cầu mới tối đa 60 km/h.

Theo phương án tổ chức giao thông do Sở Giao thông vận tải Hà Nội công bố, cầu thép phía Hồ Tùng Mậu phục vụ ôtô và xe máy vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng. Cầu thép phía Xuân Thủy phục vụ ôtô và xe máy vượt qua nút giao theo hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng.

Ngân hàng đại hạ giá các khoản nợ của doanh nghiệp điện gió

Hàng loạt khoản nợ từ các doanh nghiệp điện gió được rao bán gần đây. Có khoản nợ được hạ giá cả trăm tỷ đồng so với lần đầu rao bán.

Ngân hàng hạ giá khoản nợ của công ty sở hữu nhà máy điện gió

Ngân hàng hạ giá khoản nợ của công ty sở hữu nhà máy điện gió

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây đăng thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản đối với khoản nợ hơn 558 tỷ đồng của Công ty CP Năng lượng Tân Thượng.

Tính đến ngày 23/4, dư nợ đối với khoản nợ BIDV yêu cầu định giá là 558,754 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 350,392 tỷ đồng còn dư nợ lãi là 208,362 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm khoản nợ gồm toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư (bao gồm vốn vay và vốn tự có) là tài sản thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Tân Thượng thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Khoản nợ trên từng được BIDV rao bán lần đầu vào cuối năm 2021, giá khởi điểm 458 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, Ngân hàng giảm giá khoản nợ này xuống chỉ còn hơn 325 tỷ đồng song không xử lý được.

Nhà máy Thủy điện Tân Thượng do Công ty CP Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, được khởi công đầu năm 2017.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN), chủ đầu tư Dự án điện gió Phong điện 1 - Bình Thuận. Dự án này từng được giới thiệu là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam.

Khoản nợ của REVN tại Agribank được hình thành từ các hợp đồng vay vốn ký kết giữa 2 bên vào tháng 2/2008 và tháng 9/2014. Đến ngày 31/12/2023 khoản nợ ghi nhận là 1.209 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 728,7 tỷ đồng, dư nợ lãi trên 466,6 tỷ đồng, phí bảo lãnh chưa trả 14 tỷ đồng.

Agribank đang rao bán khoản nợ trên với giá khởi điểm 1.036 tỷ đồng. Đây là lần thứ 3 khoản nợ của REVN bị rao bán và đã được hạ giá hơn 170 tỷ đồng so với lần đầu. Vào lần rao bán đầu tiên tháng 1/2024, giá khởi điểm của khoản nợ là 1.209 tỷ đồng.

Dự án có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn. Đến nay, dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng đăng rao bán tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty CP Phát triển Năng lượng Lộc Phát, giá khởi điểm là 22,15 tỷ đồng.

Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay

Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay

Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa có quyết định kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Theo đó, thời hạn tiến hành kiểm tra là 3 ngày làm việc (từ ngày 7 - 9/5). Thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1/2024 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.

Đoàn kiểm tra gồm 10 thành viên do ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm Trưởng đoàn sẽ kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay tại các hãng hàng không.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản gửi Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.

“Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có) đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Rà soát dự án phân lô bán nền tại Đà Lạt, Bảo Lộc

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu rà soát các dự án phân lô bán nền cho người dân xây nhà trên địa bàn Đà Lạt và Bảo Lộc, báo cáo trước ngày 5/6.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu rà soát dự án phân lô bán nền tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu rà soát dự án phân lô bán nền tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc

Những dự án thuộc diện rà soát là nhóm đã đủ điều kiện mở bán, được cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền cho người dân tự xây nhà ở.

Ngoài ra, những dự án phân lô bán nền đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đang triển khai thủ tục về đất đai, quy hoạch, cũng trong diện rà soát. UBND TP. Đà Lạt, Bảo Lộc và các sở tổng hợp danh sách, báo cáo trước ngày 5/6.

Tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra tiến độ chủ đầu tư thực hiện xây dựng nhà để bán, cho thuê. Nếu xảy ra sai phạm, các đơn vị cần xử lý nghiêm.

Đà Lạt, Bảo Lộc và nhiều địa phương khác như Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà... từng là điểm nóng về tình trạng phân lô bán nền giai đoạn 2020 - 2022. Tại Bảo Lộc, nhiều dự án bất động sản tự phát đã ồ ạt mọc lên dưới hình thức cá nhân, hộ gia đình xin hiến đất làm đường rồi tách thửa. Tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các địa phương xử lý tình trạng này.

Báo cáo mới đây của Sở Tư pháp cho thấy giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tiếp đà giảm. Số lượng và giá trị đất nền giảm lần lượt 8% và 3% theo quý. Nhiều địa phương như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà... đều giảm lượng giao dịch đất nền, khoảng 3 - 33% so với cuối năm ngoái.

Lọc hoá dầu Bình Sơn thu gần 4 tỷ đồng mỗi ngày từ lãi gửi ngân hàng

Nắm 40.336 tỷ tiền mặt và tiền gửi đã mang về cho Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn 345,7 tỷ đồng lời từ ngân hàng trong quý I, tức mỗi ngày lãi gần 4 tỷ đồng.

Lọc hoá dầu Bình Sơn thu gần 4 tỷ đồng mỗi ngày từ lãi gửi ngân hàng

Lọc hoá dầu Bình Sơn thu gần 4 tỷ đồng mỗi ngày từ lãi gửi ngân hàng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố, cho thấy doanh nghiệp đang nắm giữ 21.812 tỷ đồng tiền mặt và hơn 18.500 tỷ đồng dùng để đầu tư tài chính. Đây là khoản tiền được doanh nghiệp gửi ngân hàng kỳ hạn ba tháng đến một năm để hưởng lãi suất.

Quý I năm nay, số tiền gửi này đã mang về cho công ty gần 346 tỷ đồng tiền lãi, tức mỗi ngày doanh nghiệp này có khoảng 4 tỷ đồng. Mức này thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãi tiền gửi giảm nhưng theo báo cáo tài chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn, khoản thu này đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Công ty trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp giảm.

Báo cáo cho thấy doanh thu quý I Công ty đạt 30.689 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, Công ty lãi gộp 1.255 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm 39%.

Kết quả kinh doanh giảm là vì doanh thu hoạt động tài chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 520 tỷ đồng, giảm gần 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay giảm gần 60% còn 256 tỷ đồng do chi phí lãi vay và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giảm. Trong kỳ, công ty lỗ ròng hơn 30 tỷ đồng do tỷ giá.

Tính đến ngày 30/3, hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm 47,1%. Vốn chủ sở hữu đạt mức 58.040 tỷ đồng, trong đó có 17.140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tổng nợ vay tài chính của công ty ở mức 8.567 tỷ đồng với toàn bộ là nợ ngắn hạn.

BSR đặt mục tiêu sản lượng sản xuất năm 2024 đạt hơn 5,7 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ hơn 5,66 triệu tấn, tổng doanh thu hợp nhất 94.974 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 991 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này được xây dựng theo phương án giá dầu thô đạt 70 USD một thùng…

Cấm xe 50 ngày để sửa cầu trên Quốc lộ 1 ở Quảng Ngãi

Cầu Trà Khúc 2 trên Quốc lộ 1 xuất hiện nhiều vết nứt cần sửa chữa trong thời gian 50 ngày, các xe phải đi sang đường khác từ 10/5.

Cầu Trà Khúc 2 qua sông cùng tên trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A

Cầu Trà Khúc 2 qua sông cùng tên trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A

Theo Khu Quản lý đường bộ III và Cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải), cầu Trà Khúc 2 xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 3-5 mm ở 5 nhịp chính giữa sông. Trong đó, nhịp dài 48 m bị nứt ngang đáy bản ở khu vực gần giữa nhịp; các nhịp dài 78 m bị nứt dọc, hướng vào tim cầu... Khe co giãn trên trụ thứ 23 hư hỏng, khe co giãn ở trụ thứ 19 dịch chuyển quá giới hạn cho phép.

Khu Quản lý đường bộ III cho hay, những hư hỏng trên dẫn đến công trình không đảm bảo an toàn. Từ đó đơn vị đề nghị sửa chữa nhằm đảm bảo độ chịu lực của cầu, tổng thời gian sửa khoảng 50 ngày.

Trong thời gian này, xe tải, ôtô khách từ 9 chỗ chạy hướng Bắc - Nam khi đến cách cầu khoảng hai km rẽ phải vào đường Võ Nguyên Giáp (thuộc Quốc lộ 24B) rồi chạy đến nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (ở xã Tịnh Hà), tiếp tục hành trình vào Nam.

Cũng chạy theo hướng này, các ôtô khác và xe máy khi cách cầu Trà Khúc 2 km rẽ vào đường Võ Nguyên Giáp trên quốc lộ 24B, đi qua cầu Thạch Bích đến đường Chu Văn An, rẽ qua Hai Bà Trưng, Bà Triệu, sau đó tới Quốc lộ 1.

Còn ôtô tải và xe từ 9 chỗ trở lên chạy hướng Nam - Bắc đến khúc giao giữa Quốc lộ 1 với đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thuộc huyện Tư Nghĩa thì rẽ trái vào đường dẫn để ra bắc.

Xe có nhu cầu đến Dung Quất và các khu công nghiệp phía Bắc - Quảng Ngãi, sau khi đến trạm thu phí phía bắc TP. Quảng Ngãi rẽ phải nhập làn vào quốc lộ 24B để ra Quốc lộ 1.

Đối với ôtô dưới 9 chỗ và xe hai bánh đi theo hướng Quốc lộ 1 khi đến cầu Trà Khúc 2 rẽ trái vào đường Bà Triệu - Hai Bà Trưng - Chu Văn An - đường cầu Thạch Bích, sau đó vào điểm giao giữa quốc lộ 24B và Quốc lộ 1.

Cầu Trà Khúc 2 bắc qua sông cùng tên, nối hai phường Trương Quang Trọng và Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi. Cầu dài 1.200 m với 17 nhịp, rộng 14 m, bốn làn xe. Công trình được đưa vào sử dụng cách đây 20 năm, từng hư hỏng và được sửa chữa một số lần trước đó.

Hà Nội thí điểm quản lý thuế về thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm

Thương mại điện tử đang là phương thức kinh doanh phổ biến được các hộ, cá nhân kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm sử dụng. Do đó, Cục Thuế Hà Nội xác định đây địa bàn này đi đầu về công tác chuyển đổi số.

Cục Thuế thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra chuyên đề thương mại điện tử năm 2024 đối với tổng số 2.342 tổ chức, cá nhân.

Cục Thuế thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra chuyên đề thương mại điện tử năm 2024 đối với tổng số 2.342 tổ chức, cá nhân.

Thông tin từ Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết đơn vị đang triển khai thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ (về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Với mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện triển khai thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trên cơ sở quá trình triển khai, Cục Thuế sẽ tổng hợp đánh giá kết quả và nhân rộng công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn và tiến tới xây dựng Đề án cấp thành phố về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên toàn Thủ đô.

Tại thị trường Việt Nam, TikTok đã vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau nền tảng thương mại điện tử Shopee của Singapore.

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa của Hà Nội với những đặc trưng riêng của các khu phố cổ. Nơi đây tập trung số lượng lớn các hộ, cá nhân kinh doanh buôn bán sầm uất với đủ loại mặt hàng hóa, dịch vụ phong phú. Hiện nay, thương mại điện tử cũng là một phương thức kinh doanh phổ biến được các hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng tại địa bàn này.

Hiện, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 54 doanh nghiệp là sàn thương mại điện tử lưu trú, khoảng 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 shop...

Giá cà phê quay đầu lao dốc

Sau 4 tháng tăng sốc, chỉ trong vài ngày đầu tháng 5, giá cà phê giảm 24% về 102.000 đồng một kg.

Vài ngày đầu tháng 5, giá cà phê giảm 24%

Vài ngày đầu tháng 5, giá cà phê giảm 24%

Ghi nhận tại các thủ phủ cà phê cho thấy từ ngày 1/5 đến nay, giá cà phê liên tục lao dốc. Riêng trong phiên ngày 4/5, giá cà phê giảm 16.000 đồng một kg xuống còn 102.000 đồng.

Trên diễn đàn kinh doanh cà phê, người trồng và thương lái cho biết khá bất ngờ vì giá mặt hàng này quay đầu rơi mạnh. Theo đó, so với giá đỉnh cách đây 4 ngày, giá cà phê đã rớt 24%. Đây cũng là biên độ giảm mạnh nhất trong lịch sử giao dịch cà phê tại thị trường nội địa.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta sàn London đóng cửa vào tối qua với kỳ hạn giao tháng 7 lao dốc về 3.534 USD một tấn, trong khi mức đỉnh trước đó là 4.300 USD.

Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York cũng giảm mạnh, kỳ hạn tháng 7 giảm về 4.400 USD một tấn, trước đó là trên 5.000 USD.

Theo các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, giá cà phê quay đầu nhưng vẫn còn ở mức khá cao. Doanh nghiệp sẽ chỉ mua từ từ chứ không dám nhập ồ ạt. Thời gian tới, giá cà phê sẽ còn giảm nhưng khó về dưới 70.000 đồng một kg. Hiện, người trồng cà phê vẫn hưởng lợi lớn khi giá cà phê trên 100.000 đồng một kg.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy 4 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, thu về gần 2,6 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng nhưng tăng mạnh 58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.402 USD một tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Tin cùng chuyên mục