Lan tỏa tinh thần phụng sự doanh nghiệp

(BĐT) - “Bộ KH&ĐT đã đi đầu bằng việc quán triệt đến hơn 1.800 cán bộ, viên chức toàn ngành tinh thần phụng sự doanh nghiệp (DN). Chúng ta cần những hành động cụ thể, ở các cơ quan, cấp chính quyền như thế mới lấy và giữ được niềm tin của DN”.
Cần chương trình hành động cụ thể từ các sở, ngành về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Cần chương trình hành động cụ thể từ các sở, ngành về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam vào ngày 24/8 tại TP.HCM. 

Nghị quyết lịch sử của Chính phủ

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi nói về Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (NQ35). Nghị quyết được ban hành đã hơn 3 tháng và có tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế.

“NQ35 là nghị quyết lịch sử thể hiện quyết tâm của Chính phủ. Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành thêm một nghị quyết riêng về bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng, quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền địa phương quyết định phần nhiều thành công của NQ35, vì đây là cấp hỗ trợ trực tiếp cho DN. Đặc biệt là các địa phương cần xác định, hỗ trợ phải đến được với DN. Từ đó, tập trung các giải pháp để tháo gỡ các nút thắt thị trường về hàng hóa dịch vụ, tài chính và vốn, tiền tệ, khoa học công nghệ và thị trường lao động…” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, kinh tế tư nhân là thành phần cực kỳ quan trọng của nền kinh tế. Chỉ tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 có khả thi hay không lại phụ thuộc rất lớn vào sự đóng góp của thành phần kinh tế này. “Theo con số mà tôi nắm được, tính đến 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 54.000 DN được thành lập mới, đồng thời có gần 15.000 DN quay trở lại hoạt động. Chúng ta ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi tức là xác lập mối quan hệ đối tác giữa cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương với thị trường, giữa nhà nước với DN. Và chúng ta ngồi đây để các địa phương tự trả lời liệu có hoàn thành chỉ tiêu này? Và sẽ hoàn thành bằng giải pháp cụ thể nào?” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề đối với lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Phó Thủ tướng khẳng định, NQ35 đã nêu rõ, các địa phương cần xử lý nghiêm những vụ việc, cán bộ có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN.

Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Huỳnh Văn Minh nhận xét: “Vẫn còn tình trạng DN bị “lên bờ xuống ruộng” chỉ vì một quyết định, một kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng nhà nước. Hiện nay, nói thật là tâm lý của DN chưa hoàn toàn yên tâm, dù rất mừng về tinh thần của NQ35. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chức năng của Nhà nước vẫn nói chưa đi đôi với làm trong hỗ trợ DN. Các địa phương thì hiện nay, việc hỗ trợ DN vẫn chỉ dừng ở kế hoạch và chương trình hành động, chứ chưa có động thái cụ thể”.

Có hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu DN?

Theo chỉ tiêu đặt ra, TP.HCM là địa phương sẽ phải nỗ lực đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp. 
Phó Thủ tướng đã trực tiếp chất vấn các địa phương về khả năng hoàn thành chỉ tiêu số lượng DN. Công bố của TP. Đà Nẵng cho biết hiện có 16.000 DN, địa phương này phấn đấu đến năm 2020 có 32.000 DN. Tỉnh Vĩnh Long hiện có 2.400 DN, phấn đấu đạt 4.200 DN vào năm 2020. Tỉnh Đồng Nai hiện có 32.000 DN, phấn đấu đạt chỉ tiêu 64.000 DN. “Phải đặt chỉ tiêu cụ thể để địa phương đề ra chương trình hành động. Các địa phương càng khó khăn càng cần hỗ trợ cho DN” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Theo chỉ tiêu đặt ra, TP.HCM là địa phương sẽ phải nỗ lực đến năm 2020 có 500.000 DN. Theo đó, TP.HCM phải huy động nhiều giải pháp hỗ trợ DN để có thể đạt con số này, hiện tại, TP.HCM đã có hơn 200.000 DN.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, bản thân ông nhận thấy, từ phía DN thì rất quyết tâm, nhưng thành công hay không lại phụ thuộc nhiều vào sự vào cuộc của địa phương (đặc biệt là các sở, ngành). “Nhiều DN cho biết, họ cần chương trình hành động cụ thể hỗ trợ DN của các sở, ngành mới thực sự hiệu quả. Nếu không, chỉ tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là cực kỳ khó” - ông Lộc chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục