Lăng kính đấu thầu ngày 27/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại gói thầu xây lắp dân dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, một nhà thầu tham dự đã bị kết luận vi phạm một trong số các hành vi bị cấm trong đấu thầu do đề xuất hợp đồng tương tự không có thật tại hồ sơ dự thầu. Trong khi đó, một gói thầu mua sắm tại An Giang đã được điều chỉnh hồ sơ mời thầu sau phản ánh của nhà thầu, nhằm gia tăng cạnh tranh tại cuộc thầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không trung thực, nhà thầu bị loại

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 08 Xây lắp toàn bộ công trình thuộc Dự án Trường Mầm non 1/6. Theo đó, Công ty TNHH Xây lắp Anh Minh trúng thầu với giá 14,611 tỷ đồng.

Cùng tham dự tại Gói thầu, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quốc Bảo Bình Thuận đề xuất hợp đồng tương tự là Hợp đồng thầu phụ số 0110/2021/HĐTP-QB-ADP ngày 1/10/2021 ký kết với Công ty TNHH An Dương Phát (nhà thầu chính) để thi công công trình Trường THCS Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Do nghi ngờ về tính trung thực của hợp đồng (vì vượt quá giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ theo quy định pháp luật đấu thầu là 10%), Bên mời thầu đã gửi Văn bản số 03/136/2022/ALT-XM ngày 9/12/2022 đề nghị Công ty TNHH An Dương Phát xác thực hợp đồng thầu phụ nêu trên. Trong Công văn số 11/CV-ADP ngày 11/12/2022, phản hồi Bên mời thầu, Công ty TNHH An Dương Phát xác nhận hợp đồng thầu phụ mà Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quốc Bảo Bình Thuận kê khai là không có thật.

Trên cơ sở xác minh, đối chiếu thông tin, Bên mời thầu kết luận Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quốc Bảo Bình Thuận vi phạm Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu khi cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu nhằm mục đích trúng thầu.

Điều chỉnh hồ sơ mời thầu, tạo thuận lợi cho nhà thầu tham dự

Tại An Giang, Gói thầu số 06 Cung cấp và lắp đặt thiết bị năm 2022 thuộc Dự án Mua sắm thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ cho cấp tiểu học và trung học trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 (dự toán 17,526 tỷ đồng) do Sở Giáo dục và Đào tạo mời thầu đã nhận được nhiều đề nghị điều chỉnh hồ sơ mời thầu (HSMT).

Theo phản ánh, trong số các yêu cầu về nhân sự chủ chốt thực hiện Gói thầu, HSMT quy định nhà thầu đề xuất 1 nhân sự tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành chế biến lâm sản (đảm nhận vị trí cán bộ kỹ thuật quản lý, cung cấp, lắp đặt, hướng dẫn, vận hành, đào tạo chuyển giao công nghệ) và 1 nhân sự tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành chế biến lâm sản (đảm nhận vị trí trực tiếp thi công, lắp đặt). Theo nhà thầu, phần mua sắm thiết bị bàn, ghế tại Gói thầu là hàng hóa đơn giản, thông dụng trên thị trường, nhà thầu hoàn toàn có thể thương mại để cung cấp. Còn trong trường hợp nhà thầu là nhà sản xuất, thì hoàn toàn có thể mua gỗ đã qua chế biến để tiến hành gia công sản phẩm theo yêu cầu. Mặt khác, pháp luật đấu thầu hiện hành quy định, không yêu cầu nhân sự chủ chốt đối với phần công việc cung cấp hàng hóa đơn thuần; không đòi hỏi nhân sự thực hiện các dịch vụ liên quan đối với hàng hóa thông dụng. Do vậy, việc HSMT yêu cầu nhân sự với bằng cấp chuyên ngành chế biến lâm sản là thu hẹp phạm vi tham dự của nhà thầu.

Ngày 2/12/2022, Bên mời thầu phê duyệt điều chỉnh HSMT theo hướng lược bỏ 2 vị trí nhân sự như đề nghị của nhà thầu. Kết quả mở thầu sau đó ghi nhận 3 nhà thầu tham dự, gồm: Liên danh Công ty CP Phát triển Công Nghệ Cao - Công ty TNHH Incom; Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Tổng công ty CP Công trình Viettel; Liên danh Công ty TNHH Nghe nhìn Toàn Cầu - Công ty TNHH Đầu tư Thương mại dịch vụ Nam Phương.

Tin cùng chuyên mục