![]() |
Dự án Conic Boulevard là một trong số ít dự án ở vùng ven TP.HCM có mức giá dưới 40 triệu đồng/m2 |
Dự án vùng ven áp đảo
Nguồn cung dự án căn hộ hạng B và C ở TP.HCM từ đầu năm đến nay tiếp tục có sự gia tăng. Tại TP. Thủ Đức, Dự án Vinhomes Grand Park của Vingroup đang tiếp tục mở bán những sản phẩm còn lại của phân khu The Origami và The Solari, bao gồm The Tropical, Glory Heights và The Oasis với mức giá chưa thuế dao động từ 3,2 - 3,5 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ, rộng dưới 68 m2.
Ở khu Tây TP.HCM, từ cuối năm ngoái đến nay, Dự án Conic Boulevard tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh của Công ty CP Xây dựng, Đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong Conic được nhiều khách hàng ở những khu vực lân cận tìm hiểu khi có giá bán từ 37 triệu đồng/m2 chưa thuế. Ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm của dự án này là diện tích khá lớn, từ 84 - 114 m2 mỗi căn hộ khiến giá mỗi sản phẩm khá cao, phù hợp với khách cần rộng rãi, chấp nhận ở xa trung tâm TP.HCM.
Ngoài các dự án trên, “giỏ hàng” căn hộ mở bán từ năm 2024 đến nay còn có Celadoncity (Tân Phú) của Gamuda Land, Fiato Uptown (TP. Thủ Đức) của Hưng Phú Invest, Khải Hoàn Prime (Nhà Bè) của Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh - thành viên của Khải Hoàn Group - thu hút sự quan tâm với mức giá thấp nhất từ 3,5 tỷ đồng trở lên cho một căn hộ 2 phòng ngủ.
Theo ông Phạm Lâm - Chủ tịch HĐQT DKRA Group, dù thị trường bất động sản (BĐS) đã tốt hơn năm ngoái, nhưng thanh khoản tại khu vực TP.HCM từ đầu năm đến nay chưa có nhiều bứt phá, khi lượng tiêu thụ sơ cấp đạt gần 1.200 căn, chỉ chiếm 10% tổng nguồn cung sơ cấp 2 tháng đầu năm 2025. Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Do không có nhiều lựa chọn, nên những căn hộ hạng B và C ở các quận xa trung tâm cũng như ở các tỉnh, thành giáp ranh TP.HCM đang trở thành tâm điểm của những người trẻ và người có thu nhập thấp. Trong năm 2025, Bình Dương, Đồng Nai dự báo sẽ giữ vị trí chủ đạo về nguồn cung căn hộ hạng B, hạng C.
Ông Troy Griffiths - chuyên gia của Savills Việt Nam nhận định, nguồn cung và tâm lý thị trường đều cải thiện, nhưng giá bán vẫn duy trì ở mức cao. Việc dịch chuyển sang các tỉnh lân cận là vì giá bán phải chăng hơn và hạ tầng được đầu tư phát triển khá đồng bộ.
Khảo sát thực tế cho thấy, tại những dự án mở bán ở Bình Dương, phân khúc hạng B và C đang áp đảo, kéo theo sự dịch chuyển của một bộ phận không nhỏ khách hàng ở TP.HCM mua căn hộ ở đây để sinh sống và đầu tư. Các dự án đang tạo được sức hút trên thị trường hiện nay có thể kể đến: Bcons Solary và Bcons Green Emerald Dĩ An của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons, giá bán khoảng 30 triệu đồng/m2; The Gió Riverside của Tập đoàn An Gia, khoảng 40 triệu đồng/m2; TT Avio của TT Capital, giá bán từ 31 - 33 triệu đồng/m2; Charm City Bình Dương (The Infinity) của Charm Group với giá bán từ 36 - 40 triệu đồng/m2…
Ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai), cuối năm 2024, Công ty CP Địa ốc Tân Vạn (TV Holdings) khởi công Dự án Fresia Riverside cung cấp 1.153 căn hộ có giá khoảng 35 triệu đồng/m2 đang hứa hẹn được thị trường hấp thụ tốt. Theo đại diện Công ty CP Bất động sản EximRS - tổng đại lý tiếp thị và phân phối dự án này, trong năm 2025, số căn hộ này dự kiến sẽ được bán hết.
Trăn trở bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp
Nhiều chuyên gia BĐS nhìn nhận, tin đồn sáp nhập một số địa phương vào TP.HCM đã tác động “hâm nóng” thị trường BĐS, nhất là phân khúc căn hộ ở các địa phương giáp ranh. Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) gần đây ghi nhận, giá đất tại các khu vực này tăng từ 10% - 20% chỉ sau vài tuần, giá căn hộ cũng đang có xu hướng tăng tương tự.
Dù nguồn cung căn hộ có mức giá từ 55 triệu đồng/m2 trở lên ở TP.HCM và từ 30 triệu - 50 triệu đồng/m2 ở Bình Dương, Đồng Nai có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng bài toán lớn vẫn là làm sao phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp. Bởi với mức thu nhập của đối tượng này, việc “rượt đuổi” theo giá nhà ngày càng khó khăn.
Việc đề xuất nghiên cứu và triển khai mô hình Quỹ Nhà ở quốc gia mang tới kỳ vọng giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá rẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Thời gian qua, việc đề xuất nghiên cứu và triển khai mô hình Quỹ Nhà ở quốc gia (quỹ do Nhà nước thành lập nhằm hỗ trợ phát triển và cung cấp nhà ở cho người dân, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang hoặc các đối tượng chính sách khác) theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương ngày 24/2/2025 được dư luận xã hội đánh giá là đúng đắn và cần thiết. Đây là thông tin tích cực, mang tới kỳ vọng lớn về việc giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá rẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tại nhiều quốc gia châu Âu (Pháp, Đức, Thụy Điển) và châu Á (như Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc), Quỹ Phát triển nhà ở đã hoạt động từ nhiều thập kỷ qua. Bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M thuộc Savills TP.HCM nhận định, mô hình Quỹ Nhà ở quốc gia nếu ra đời không những đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề an cư, giải quyết nhu cầu nhà ở và ổn định cuộc sống cho người lao động thu nhập trung bình thấp, mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn.
Từ lâu, nhiều cụm từ như “tuyệt chủng”, “biến mất”, “xóa sổ”… thường được dùng để mô tả thực trạng nhà cho người thu nhập thấp, trong khi phân khúc BĐS cao cấp và hạng sang phát triển mạnh. Đặc biệt, những cụm từ này được Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhắc đến trong các văn bản kiến nghị gửi Trung ương và chính quyền các cấp để cảnh báo về sự nguy hiểm của thực trạng “lệch pha” cung cầu, dẫn đến thị trường phát triển méo mó. Nói như Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, nếu không có các giải pháp đột phá, khi phân khúc căn hộ giá 55 triệu đồng/m2 trở lên tiếp tục là "thước đo" chính của thị trường trung bình khá ở TP.HCM, thì giấc mơ an cư của nhiều người lao động ngày càng xa vời.