Từ giữa tháng 8 cũng đã manh nha một cuộc đua lãi suất huy động trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa và nhỏ. Ảnh minh họa Thành Hoa. |
Xuất khẩu cải thiện nhờ sản phẩm mới của Samsung
Trong tháng 8, tổng cầu của nền kinh tế có sự cải thiện nhờ hoạt động xuất khẩu tăng khá. Cụ thể, so với tháng 7, xuất khẩu trong tháng 8 tăng 7,3% trong khi nhập khẩu giảm nhẹ 0,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng lũy kế của xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay hiện vẫn thấp hơn đáng kể, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2018 (7,3% so với 14,5%).
Đáng lưu ý, mặt hàng xuất khẩu có mức tăng mạnh nhất trong tháng là điện thoại và linh kiện (tăng 37,8%, đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ), chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mới Galaxy Note 10. Trái ngược với nhóm hàng điện thoại và linh kiện, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản chính vẫn chưa có nhiều cải thiện trong tháng 8, riêng xuất khẩu rau quả và cà phê sụt giảm lần lượt 15% và 17% so với tháng 7.
Còn xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến khá phân hóa. Trong khi xuất khẩu dệt may cải thiện nhẹ trong tháng 8, giúp mức tăng lũy kế kế tám tháng đầu năm đạt 11,7% so với cùng kỳ thì xuất khẩu da giày lại giảm 6%, khiến mức tăng lũy kế chỉ còn 13,6%.
Ở chiều nhập khẩu, một số mặt hàng có tốc độ tăng cao là: điện tử, máy tính, linh kiện (tăng 21%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (tăng 12,9%). Riêng đối với mặt hàng ô tô, kim ngạch nhập khẩu luôn duy trì mức tăng rất cao và đạt 60% trong tám tháng đầu năm (trái ngược hoàn toàn với diễn biến cùng kỳ năm 2018). Nhập khẩu ô tô tăng mạnh trở lại là một trong những nguyên nhân giúp tăng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, qua đó giúp thu ngân sách đạt tiến độ khá và cao hơn mức bình quân chung các năm gần đây (66% dự toán năm).
Về phía cung, trong tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế tám tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% - thấp hơn so với mức tăng 11,2% cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng trong khoảng từ 9,2-9,5%, thấp hơn so với mức trung bình 12% của năm 2018. Các nhóm sản phẩm có tốc độ tăng lũy kế tám tháng đầu năm ở mức cao là: khai thác than (tăng 14,2%); sản xuất kim loại (tăng 40,2%); sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (tăng 40,9%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (tăng 11,5%)...
Lạm phát và tỷ giá ổn định nhưng thanh khoản ngân hàng đột nhiên căng thẳng
Ở phương diện lạm phát, chỉ số CPI tháng 8-2019 tăng 0,28% so với tháng trước và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 8/11 nhóm hàng tăng giá trong tháng vừa qua, trong đó nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,24%, thấp hơn hẳn mức tăng 0,87% của cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là nguyên nhân giúp chỉ số CPI so với cùng kỳ năm ngoái hạ nhiệt từ mức 2,44% trong tháng 7 xuống còn 2,26% trong tháng 8. Lạm phát lõi cũng giảm nhẹ trong tháng vừa qua, xuống mức 1,95%.
Điểm đáng lo ngại nhất của kinh tế vĩ mô trong tháng 8 là việc thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khá căng thẳng trong hai tuần cuối của tháng.
Biểu hiện rõ rệt nhất là lãi suất liên ngân hàng trong phiên ngày 27-8 đã tăng lên mức rất cao (4,8-5%/năm) trước khi hạ nhiệt về quanh mức 3,5%/năm trong những phiên cuối tháng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xu hướng giá cả các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới không có nhiều áp lực tăng. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xu hướng nhân dân tệ yếu đi (giúp giảm chi phí nhập khẩu các nguyên vật liệu từ Trung Quốc) sẽ là nhân tố giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát bình quân cho cả năm 2019 sẽ ở mức 3-3,5%.
Ở khía cạnh tỷ giá, bất chấp đà giảm giá mạnh (giảm 4%) của nhân dân tệ trên thị trường thế giới, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ trong tháng 8 gần như đi ngang, không thay đổi so với cuối tháng 7. Tính đến cuối tháng 8, tỷ giá cũng gần như không tăng so với cuối năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu mạnh trong tháng 8 (ước tính 1,7 tỉ đô la Mỹ) và niềm tin ổn định đã giúp tiền đồng trụ vững trước đà lao dốc của nhân dân tệ.
Diễn biến này hoàn toàn đối lập với xu hướng giảm giá mạnh so với đô la Mỹ trong tháng 8 của hầu hết các đồng tiền tại các thị trường mới nổi ở châu Á. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền trong mẫu theo dõi là đồng won của Hàn Quốc (giảm 8,6%), tiếp đến là nhân dân tệ của Trung Quốc (giảm 4,4%), rupee của Ấn Độ (giảm 3,6%). Ở chiều ngược lại, đồng tiền tăng giá mạnh nhất là baht của Thái Lan (tăng 5%).
Điểm đáng lo ngại nhất của kinh tế vĩ mô trong tháng 8 là việc thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khá căng thẳng trong hai tuần cuối của tháng. Biểu hiện rõ rệt nhất là lãi suất liên ngân hàng trong phiên ngày 27-8 đã tăng lên mức rất cao (4,8-5%/năm) trước khi hạ nhiệt về quanh mức 3,5%/năm trong những phiên cuối tháng.
Thanh khoản hệ thống căng thẳng có thể xuất phát từ yếu tố mang tính thời điểm (dịp nghỉ lễ 2-9) cũng như khả năng thay đổi về nguồn vốn Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu (công cụ được dùng để hút tiền về), thậm chí bơm ròng vốn qua thị trường mở (OMO) trong một vài phiên.
Số dư tín phiếu lưu hành vào thời điểm cuối tháng 8 đã về mức 0 (thay cho mức 60.000-70.000 tỉ đồng các tháng trước đây). Ngoài ra, trên thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng thương mại với dân cư và tổ chức kinh tế), từ giữa tháng 8 cũng đã manh nha một cuộc đua lãi suất huy động trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa và nhỏ.
Lãi suất cho các kỳ hạn dài (trên sáu tháng) đã được đẩy lên mức cao nhất 8,5-8,7%/năm. Chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên.