Thỏa thuận mới được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ cho phép hải quân của Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Reuters. |
Việc ký kết Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) đã được chuẩn bị trong hơn một thập kỷ, là điểm nổi bật trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tới Mỹ, RT hôm qua đưa tin.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ca ngợi LEMOA sẽ giúp "an ninh hàng hải" và góp phần vào "tự do hàng hải" trên thế giới.
LEMOA cho phép hải quân Mỹ, Ấn Độ sử dụng căn cứ của nhau để tiếp tế hậu cần trong các cuộc tập trận, cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, thỏa thuận không nhắc tới việc triển khai binh lính. Washington và New Delhi sẽ phải tìm kiếm thỏa thuận khác cho việc này.
Thỏa thuận mới được ký kết sẽ giúp Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Hải quân Mỹ đã có nhiều cuộc tuần tra hàng hải tại đây, làm tăng thêm căng thẳng vốn có trong quan hệ với Trung Quốc.
Hồi tháng 6, Mỹ có nhiều cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông với sự tham gia của chiến hạm, máy bay. Washington cũng nhiều lần đưa tàu chiến tuần tra ở các vùng biển mà Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền và tiến hành tập trận.
Joseph Cheng, giáo sư về chính trị đã nghỉ hưu tại Hong Kong cho biết LEMOA còn giúp Mỹ tăng cường kiểm soát hàng hải từ Đông Á đến vịnh Ba Tư. Mặt khác, Biển Đông là tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, và Mỹ không muốn phải xin phép mỗi khi đi qua các hòn đảo ở đây.
Ông Cheng cho rằng Mỹ đang sử dụng các tranh chấp ở Biển Đông để thực hiện chiến lược "trở lại châu Á". Các động thái của Washington dẫn đến sự lo lắng của Bắc Kinh bởi dường như Mỹ là nước duy nhất tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia châu Á để "mở rộng ảnh hưởng".