Loạt DN rao bán tài sản để trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP BB Sunrise Power vừa công bố thông tin bất thường về việc bán tài sản bảo đảm là Khách sạn Victoria Sapa để thanh toán nợ trái phiếu đến hạn. Không chỉ BB Sunrise Power, nhiều doanh nghiệp (DN) khác cũng đang thực hiện bán tài sản để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, bên cạnh các phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông, gia hạn nợ, hoán đổi nợ…
Công ty CP BB Sunrise Power bán giải chấp Khách sạn Victoria Sapa để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Ảnh: Hoàng Lâm
Công ty CP BB Sunrise Power bán giải chấp Khách sạn Victoria Sapa để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Ảnh: Hoàng Lâm

Nghị quyết người sở hữu trái phiếu mã BBSP.H.20.23.001 của Công ty CP BB Sunrise Power mới đây đã thông qua việc cho phép BB Sunrise Power được bán giải chấp và xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với Khách sạn Victoria Sapa thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Khách sạn Victoria Sa Pa. Khách sạn này sẽ được chuyển nhượng cho bên thứ ba với giá 210 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, 180 tỷ đồng thu về được dùng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu, 30 tỷ đồng thanh toán chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản.

Việc bán giải chấp khách sạn diễn ra trong bối cảnh BB Sunrise Power kinh doanh thua lỗ liên tiếp. Nửa đầu năm nay, Công ty báo lỗ sau thuế hơn 134 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 248 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm cuối quý II/2024 âm 221,9 tỷ đồng, nợ phải trả ở mức 4.884 tỷ đồng.

Trước BB Sunrise Power, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cho biết có kế hoạch bán thanh lý tài sản, dự thu hơn 1 tỷ USD nhằm duy trì khả năng hoạt động. Theo báo cáo tài chính bán niên đã được kiểm toán, Novaland ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục 7.327 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, thay vì số lãi 345 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó. Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Novaland cũng nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này với quan ngại không thu hồi được giá trị tài sản và không thanh toán được các khoản nợ trong điều kiện kinh doanh bình thường.

Trước các lo ngại của đơn vị kiểm toán, Novaland cho biết, đã lập kế hoạch tái cấu trúc dòng tiền thông qua các nỗ lực đàm phán tái cấu trúc các khoản nợ gốc và lãi khi đến hạn; thu hồi tiền từ các sản phẩm đã và sẽ bán tại các dự án khi hoàn thiện thủ tục pháp lý; tìm kiếm nguồn tín dụng bổ sung từ ngân hàng và nhận hỗ trợ tài chính từ các cổ đông lớn khi cần thiết.

Đáng chú ý, Novaland tiết lộ sẽ thu về hơn 1 tỷ USD từ thanh lý tài sản. Tập đoàn này cho biết đã bán một tài sản với giá 1.000 tỷ đồng, ký hợp đồng nguyên tắc bán 7 tài sản trị giá 12.363 tỷ đồng, ký 3 biên bản ghi nhớ bán 3 tài sản trị giá 9.100 tỷ đồng...

Tại thời điểm cuối quý II/2024, Novaland ghi nhận hơn 16.438 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn, trong đó nhiều lô trái phiếu đã đáo hạn nhưng được Novaland gia hạn thanh toán hoặc đang trong quá trình gia hạn. Ngoài ra, Novaland còn ghi nhận 3.128 tỷ đồng vay ngắn hạn các tổ chức tín dụng.

Kinh doanh khó khăn, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC vừa thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng 27.731 m2 đất khu công nghiệp và tài sản gắn liền với đất tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng của Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng. Giá chuyển nhượng Công ty đưa ra là hơn 96 tỷ đồng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Từ cuối năm ngoái đến tháng 4/2024, SMC liên tục bán hàng loạt tài sản như quyền sử dụng 9.096 m2 đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2 - Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM; quyền sử dụng 6.197 m2 đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương - Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương; tòa nhà trụ sở của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC tại quận Bình Thạnh, TP.HCM (329,5 m2).

Một số DN khác cũng đang chật vật bán tài sản, có thể kể đến Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty CP Garmex Sài Gòn… Ngoài phương án bán tài sản, các DN còn xúc tiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông, gia hạn nợ, hoán đổi nợ… để có dòng tiền bổ sung vốn lưu động và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Một báo cáo về thị trường trái phiếu DN được VIS Rating công bố gần đây cho biết, trong tháng 9/2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đạt 24.500 tỷ đồng, cao hơn so với tháng trước là 18.100 tỷ đồng. VIS Rating dự kiến trong số các trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2024, có 1.800 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, phần lớn trong số này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó. Trong vòng 12 tháng tới, ước tính có khoảng 18% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Trong số đó, 76% giá trị trái phiếu rủi ro cao thuộc về các DN trong nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng.

Tin cùng chuyên mục