Nhà máy DAP Đình Vũ. |
Đồng thanh xin: Rút kinh nghiệm sâu sắc!
Theo báo cáo, Tập đoàn này đã tiến hành nhiều cuộc họp liên quan đến việc kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan tới các vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP tại Đình Vũ – Hải Phòng theo Kết luận thanh tra số 5909 ngày 27/7/2018 của Bộ trưởng Công Thương.
Cụ thể, ngày 29/10 vừa qua, HĐTV Vinachem đã họp kiểm điểm đối với HĐQT Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, HĐTV; Tổng giám đốc/Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư xây dựng Tổng công ty; Tổng giám đốc/Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư xây dựng Tập đoàn.
Tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho biết, sau khi nghe trình bày bản kiểm điểm của các cá nhân, các thành viên HĐTV Tập đoàn và các thành phần dự họp đã thông qua (100%) nội dung bản kiểm điểm của ông Ngô Mạnh Hoài – Phó tổng giám đốc Vinachem, nội dung tự kiểm điểm của ông Phạm Thanh Hoàng – nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam; ông Đỗ Duy Phi – nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty; ông Nguyễn Đình Khang – nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn.
Đồng thời cuộc họp cũng đã thống nhất thông qua bản kiểm điểm của HĐQT Tổng công ty, HĐTV Tập đoàn hoá chất liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 19/10, Tổng giám đốc Vianchem cũng đã tổ chức họp kiểm điểm đối với 3 cá nhân và 5 tập thể có liên quan đến công tác giám sát, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP DAP – Vinachem theo kết luận thanh tra.
Theo đó, Tổng giám đốc Vinachem cho biết đã yêu cầu những người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại Công ty DAP “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ”. Đồng thời chấn chỉnh ngay các tồn tại han chế trong công tác quản lý đã được kết luận chỉ ra.
Còn tại cuộc họp hôm 26/9, Tổng giám đốc Vinachem cũng đã yêu cầu ông Nguyễn Tuấn Dũng – Trưởng ban Đầu tư xây dựng rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất đối với lãnh đạo Tập đoàn.
Ngoài ra, Tổng giám đốc Vinachem cũng đã yêu cầu các ông Nguyễn Văn Sinh; Bùi Đăng Duẩn; Hà Thanh Sơn “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế…”.
Ngoài ra Vinachem cũng cho biết đã thống nhất với nội dung kiểm điểm của các ban liên quan đến công tác, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP DAP. Theo đó, yêu cầu các ban rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn trong công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh…
Bản báo cáo nêu trên của Vinachem có kèm theo bản kiểm điểm cá nhân của một loạt các cá nhân, tập thể có liên quan. Trong các bản kiểm điểm, hầu hết đều khẳng định không có bất kỳ tư lợi cá nhân, gây thất thoát tài sản của nhà nước và xin kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Nhiều bê bối vẫn chưa được xử lý
Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều vi phạm tại Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP tại Đình Vũ – Hải Phòng cả về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư xây dựng.
Cụ thể như việc Công ty không kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất và ban hành định mức tồn kho nguyên vật liệu chính, tồn khi sản phẩm dẫn đến tồn kho nguyên vật liệu, sản phẩm DAP cao. Ngoài ra, công ty chưa xây dựng được chiến lược tiêu thụ sản phẩm, việc xuất khẩu còn ít, giá xuất khẩu thấp dưới giá thành.
Trong các năm, Công ty đều có số lượng DAP gửi kho, tuy nhiên Công ty không phản ánh số lượng tồn kho hàng gửi trên báo cáo tài chính hàng năm. Từ năm 2010-2013, Công ty chưa xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thị trường, quảng cáo tiếp thị chưa được chủ đồng, một phần nguyên là do độc quyền sản xuất và phân phối DAP tại Việt Nam. Từ năm 2014, công ty bắt đầu xây dựng kế hoạch phát triển thị trường nhưng chưa được tốt, lực lượng làm thị trường còn yếu…
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và hợp đồng EPC thì nhà máy sản xuất phân bón DAP chất lượng 64% nhưng thực tế chỉ tiêu về hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm chỉ đạt 61% không đạt theo dự án được phê duyệt.
Công tác khảo sát, thiết kế chưa sát thực tế dẫn đến một số gói thầu phải điều chỉnh, bổ sung phát sinh nhiều lần, thay đổi thiết kế chưa được thẩm định trước khi phê duyệt. Dự toán một số gói thầu tính đơn giá phụ gia chống ăn mòn nước biển của bê tông khô có căn cứ, dự toán các gói thầu thiết bị tạm tính chi phí vận chuyển thiết bị bằng 0,5% giá trị thiết bị là chưa có cơ sở.
Dự án hoàn thành chậm so với tiến độ được phê duyệt theo quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hơn 60 tháng. Nhiều gói thầu xây dựng, chế tạo đều chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu do lỗi nhà thầu, việc chậm tiến độ dẫn đến khối lượng còn phải thanh toán sau thời gian được gian hạn do chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí.
Một số gói thầu chưa được các bên quản lý chất lượng đảm bảo theo quy định, một số công trình thiếu nhật ký giám sát hoặc sơ sài, không cụ thể… Về nghiệm thu, thanh toán còn sai sót như sai khối lượng thép thi công, áp sai đơn giá thanh toán…
Nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) là một trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, đang được đẩy mạnh tái cơ cấu để giảm bớt lỗ, tránh lâm vào cảnh đóng cửa. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, nhà máy sản xuất phân bón DAP - Hải Phòng đã có lãi 147,68 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2018.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định cả 12 dự án thua lỗ đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát pháp lý và xem xét trách nhiệm.
Tính đến nay cả 12 dự án đều đã tiến hành thanh tra, bao gồm thanh tra của Chính phủ, thanh tra của bộ cũng như thanh tra của địa phương. 6 dự án đã tiến hành kiểm soát để cơ sở làm những đề tài, đánh giá những thiệt hại cũng như dấu hiệu vi phạm pháp luật.