Một viên cảnh sát đứng gác trên nóc một khách sạn ở Davos hô 21/1 - Ảnh: Getty/Huffington Post. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhiều nhà lãnh đạo quốc gia khác đã hủy kế hoạch tới Davos, Thụy Sỹ để dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vì bận giải quyết các vấn đề cấp bách hơn trong nước.
Khoảng 3.000 người giàu có và quyền lực nhất thế giới sẽ hội tụ ở thị trấn nghỉ dưỡng trên dãy Alps trong tuần này. Ông Trump, vị khách thu hút sự chú ý nhiều nhất tại WEF năm ngoái, hồi đầu tháng đã tuyên bố không thể đến dự như kế hoạch ban đầu.
Đoàn quan chức Mỹ sau đó cũng phải hủy chương trình đến Davos vì tình trạng đóng cửa Chính phủ đã kéo dài gần 1 tháng nay. Theo trang CNN Money, việc ông Trump và các quan chức Mỹ không thể tới Davos có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy thế giới đang có nhiều bất ổn.
Không riêng nhà lãnh đạo Mỹ, WEF năm nay còn chứng kiến sự vắng mặt của một loạt lãnh đạo quốc gia khác.
Thủ tướng Anh Theresa May hủy chuyến đi Davos sau khi kế hoạch cho Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, của bà bị Quốc hội Anh từ chối. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đang bận ứng phó với phong trào biểu tình "áo vàng" nên không thể có mặt.
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa bất ngờ tuyên bố hủy kế hoạch dự WEF vì các cuộc biểu tình bạo lực bùng lên ở nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người đang đối mặt với nền kinh tế giảm tốc nhanh, hay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang nỗ lực để giành một nhiệm kỳ thứ hai, cũng đều không đến Davos.
Trong số các nhà lãnh đạo quốc gia dự WEF năm nay có Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil và Thủ tướng Angela Merkel của Đức.
Chuỗi sự kiện thường niên của WEF luôn được xem là cơ hội gặp gỡ và trao đổi lớn nhất và tốt nhất trong năm giữa các lãnh đạo quốc gia, quan chức ngân hàng trung ương, các nhà thực thi giám sát, các chính trị gia "cỡ bự" và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, cũng như giới truyền thông.
Mỗi năm Davos đều có một chủ đề lớn, và năm nay, các nhà tổ chức chọn chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Các chủ đề nhỏ được thảo luận nhiều tại chuỗi sự kiện bao gồm nguy cơ của biến đổi khí hậu, thách thức do thay đổi công nghệ đặt ra, chiến tranh thương mại, kinh tế toàn cầu giảm tốc, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, các ngân hàng trung ương thiếu dư địa để phản ứng trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái mới…
Tuy nhiên, những cuộc trao đổi thực sự thú vị có thể đến từ các cuộc gặp gặp mặt tình cờ phía sau cánh cửa đóng kín của các bữa tối tại WEF.
Mức giá phải trả để tới Davos dự WEF không hề rẻ. Theo CNN Business, vào năm 2017, mỗi công ty phải trả ít nhất từ 60.000 USD để trở thành thành viên của WEF. Các doanh nghiệp muốn trở thành đối tác cấp cao của WEF phải trả mức phí cao gấp 10 lần con số này.
Khi một doanh nghiệp đã là thành viên của WEF, Tổng giám đốc (CEO) của doanh nghiệp đó có thể dự sự kiện thường niên của diễn đàn này ở Davos, nhưng vẫn phải mua vé.