Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Đại Dương thay đổi chóng mặt sau kiểm toán. Ảnh: NC st |
Kết quả kinh doanh khác biệt lớn giữa trước và sau kiểm toán
Theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán còn 621 tỷ đồng, giảm sâu 55,4% so với kết quả trước kiểm toán, tương đương mức giảm 770 tỷ đồng.
Hầu hết các chỉ tiêu kết quả kinh doanh của 2 báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán là không giống nhau. Chênh lệch ít nhất là khoản mục Chi phí bán hàng, giảm vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Khoản mục thay đổi đáng kể nhất là Chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng vọt từ mức 386 tỷ đồng lên 1.125 tỷ đồng, tương đương mức tăng 739 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh của OGC thay đổi chóng mặt sau kiểm toán.
Chiếm tỷ trọng chủ yếu trong khoản chi phí tài chính khủng của OGC là khoản mục chi phí dự phòng lên tới 962 tỷ đồng, tương đương 85,5% chi phí tài chính trong năm. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện OGC cho biết, chi phí dự phòng nói trên chủ yếu là các khoản dự phòng phải thu quá hạn thanh toán theo quy định của Thông tư 228 với giá trị trích lập khoảng 864 tỷ đồng.
Thay đổi chi phí quản lý, kết quả kinh doanh của OGC vẫn được ghi nhận chủ yếu từ việc bán toàn bộ cổ phần tại Blue Star – Công ty sở hữu Khu đất vành đai khăn tại Dự án Đông Nam Trần Duy Hưng vào quý III năm ngoái. Doanh thu tài chính ghi nhận trong kỳ của Công ty đạt 1.821 tỷ đồng, trong đó 1.712 tỷ đồng đến từ dự án “đất vàng” nói trên.
Một loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán
Không chỉ làm “bay mất” 770 tỷ đồng lợi nhuận, kiểm toán còn đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của OGC. Đáng chú ý là ý kiến ngoại trừ xung quanh các khoản mục phải thu có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2015, OGC và CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH – công ty con của OGC) đang ghi nhận một số khoản phải thu về cho vay là các khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn cho một số công ty và một số khoản phải thu ngắn hạn khác là lãi dự thu tương ứng sau khi trích lập dự phòng và bù trừ công nợ, tài sản đảm bảo với số tiền 863 tỷ đồng. Với số dư này, kiểm toán không thu thập được bằng chứng cụ thể về giá trị có thể thu hồi cũng như đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập.
Ngoài ra, khoản trả trước cho người bán ngắn và dài hạn, phải thu ngắn hạn khác sau khi đã trích lập dự phòng, tổng cộng 607 tỷ đồng cũng không có đầy đủ bằng chứng đánh giá khả năng thu hồi hay trích lập dự phòng. Nguyên nhân được cho biết do OGC và OCH cùng các đối tác liên quan chưa cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu về các giao dịch này.
Như vậy, báo cáo kiểm toán của OGC bỏ ngỏ khả năng công ty này phải trích lập thêm các khoản dự phòng đối với các khoản mục phải thu nói trên. Cũng cần lưu ý, Chi phí quản lý năm 2015 của OGC đã lên tới 962 tỷ đồng như đã nói ở trên.