Lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc: Kẻ khóc, người cười

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lợi nhuận quý III/2020 của một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy nhóm này đã có một kỳ kinh doanh khởi sắc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Trong khi một số doanh nghiệp bất động sản báo lãi lớn trong 9 tháng đầu năm, một số khác kinh doanh bết bát với lượng hàng tồn kho lớn. Ảnh: Lê Tiên
Trong khi một số doanh nghiệp bất động sản báo lãi lớn trong 9 tháng đầu năm, một số khác kinh doanh bết bát với lượng hàng tồn kho lớn. Ảnh: Lê Tiên

Bất chấp dịch quay lại, doanh nghiệp vẫn lãi khủng

Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR - HSX) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đột biến trong quý III vừa qua. Doanh thu Phát Đạt đạt 1.316 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ 2019, lợi nhuận sau thuế hơn 439 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng năm 2020, Phát Đạt ghi nhận 2.498 tỷ đồng doanh thu, thực hiện được 66% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 718 tỷ đồng, tăng 78,6% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 60% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Một số doanh nghiệp khác trong ngành cũng báo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh bất chấp dịch bệnh quay lại. Tại Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 197 tỷ đồng và 31 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và 24% so với cùng kỳ năm 2019.

Hay Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam doanh thu giảm còn 94,8 tỷ đồng, tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh, doanh thu hoạt động tài chính tăng cùng với các thu nhập khác tăng theo đã giúp cho lợi nhuận sau thuế quý III/2020 đạt 18 tỷ đồng, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 9 tháng năm 2020, lợi nhuận IDJ ghi nhận 61 tỷ đồng, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm 2019. Điểm sáng của IDJ là trong kỳ đã bắt đầu ghi nhận doanh thu từ dự án Diamond Park Lạng Sơn 47 tỷ đồng.

Cho dù mảng kinh doanh chính là bất động sản gặp khó, song bối cảnh Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp xoay chuyển tình thế, tìm cách tăng trưởng nhờ nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau. Đơn cử tại Vinaconex, các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh chính gồm xây lắp và kinh doanh bất động sản đều giảm mạnh trong quý III/2020, tuy nhiên nhờ bán một loạt dự án, trong đó có 50% cổ phần tại Liên doanh An Khánh JSC, giúp cho Vinaconex ghi nhận doanh thu quý III/2020 tăng mạnh, đạt 2.185 tỷ đồng, gấp 31 lần so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 9 tháng năm 2020, Vinaconex ghi nhận 1.450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,5 lần so với 9 tháng năm 2019.

Kinh doanh bết bát, hàng tồn kho đè nặng vai

Kém khởi sắc hơn so với các doanh nghiệp báo lãi kể trên, một số khác lại tỏ ra hụt hơi khi kinh doanh lao dốc cùng với hàng tồn kho đè nặng trên vai.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG - HSX) ghi nhận doanh thu đạt 797 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Đất Xanh đạt 1.877 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 51% so với cùng kỳ 2019. Trong khi cùng kỳ năm 2019 Công ty ghi nhận lãi 1.254 tỷ đồng thì 9 tháng đầu năm nay lỗ 152,5 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2020, hàng tồn kho của Đất Xanh là 9.756 tỷ đồng, tăng gần 44% so với thời điểm cuối năm 2019 và chiếm đến 44% tổng giá trị tài sản. Hàng tồn kho tăng mạnh dẫn đến doanh nghiệp phải chôn vốn lâu hơn cho tài sản tồn kho, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.

Tương tự như Đất Xanh, với Nam Long Group, luỹ kế 9 tháng 2020, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 1.342 tỷ đồng, tăng nhẹ, song lợi nhuận chỉ đạt 217 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ 2019. So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra cho cả năm là 822 tỷ đồng, Nam Long Group chỉ thực hiện được 26% chỉ tiêu.

Tính đến cuối tháng 9, hàng tồn kho của Nam Long Group ghi nhận 5.398 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2019. Các dự án chiếm giá trị hàng tồn kho lớn nhất gồm Paragon Đại Phước (1.706 tỷ đồng), Akari (1.685 tỷ đồng) và Waterpoint (1.091 tỷ đồng).

Bất động sản An Gia cũng là một trong những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận lẹt đẹt. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của An Gia đạt 73,7 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ, đạt 195,5 tỷ đồng. Kết quả này còn cách rất xa so với mục tiêu 2.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 410 tỷ đồng lãi ròng đặt ra cho cả năm.

Tính đến cuối kỳ kế toán quý III, doanh nghiệp này tồn kho gần 5.190 tỷ đồng, chiếm 60% tổng giá trị tài sản và gần gấp 2 lần con số ở đầu năm. Trong đó, The Sóng, dự án condotel duy nhất của An Gia, chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với 2.142 tỷ đồng.

Bức tranh kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết đúng như với dự báo của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam đưa ra từ cuối quý II/2020 khi cho rằng quý III năm nay sẽ tương đối ảm đạm do làn sóng COVID-19 thứ hai làm trì hoãn các sự kiện bán hàng.

Trên thực tế, một số chủ đầu tư phải thừa nhận, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài từ đầu năm, khách hàng bị sụt giảm thu nhập khiến họ không còn khả năng đóng tiền theo cam kết với chủ đầu tư. Giao dịch mua bán nhà ở vì thế cũng hạn chế dẫn đến tồn kho tăng cao, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Tin cùng chuyên mục