Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Bộ Tư pháp vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật; trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan tới hoạt động đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 20/8/2021 của Chính phủ và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư. Ảnh: Internet

Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư. Ảnh: Internet

Theo Bộ Tư pháp, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh, một số quy định trong các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực được để xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư.

Cụ thể, liên quan đến Luật Đầu tư công, Theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công phải trình Thủ tướng Chính phủ 2 lần để xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản điều chỉnh quyết định đầu tư. Theo các thủ tục này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và gửi lại cho cơ quan chủ quản để tiếp thu và giải trình trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhóm B và C là nhóm dự án có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện (như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân) thì tính cả điều chỉnh, các dự án này sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 3 lần dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ và phải gia hạn hiệp định.

Ngoài ra, đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các dự án này không nhiều, quy mô nhỏ, thường được thực hiện theo hình thức cung cấp tư vấn, chuyên gia để chuẩn bị dự án đầu tư.

Do vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định trên theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản.

Ngoài ra, để đảm bảo các dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị bổ sung vào cuối khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định về việc Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau khi phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”.

Liên quan đến Luật Đầu tư, việc xem xét phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư hạ tầng KCN cũng được Bộ Tư pháp đề xuất là có thể thực hiện được để phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân quyền quản lý nhà nước cho địa phương; có thể xem xét thêm việc tiếp tục phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị…

Ngoài ra, để khuyến khích phát triển mô hình KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái với vai trò là động lực tăng trưởng bền vững của khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid, cần bổ sung "doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại KCN sinh thái" vào đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư.

Bộ Tư pháp cho biết, về cơ chế, chính sách hiện hành, Luật Đầu tư chưa quy định ưu đãi cho cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các trung tâm đổi mới sáng tạo chỉ thực hiện hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất kinh doanh tại trung tâm mà không thành lập dự án đầu tư.

Liên quan đến Luật Đấu thầu, Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Đấu thầu, căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi là điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Như vậy, theo quy định này, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài chỉ có thể được phê duyệt sau khi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực.

Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ nêu trên thường mất tối thiểu từ 4 - 6 tháng đối với gói thầu quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ. Trên thực tế, tùy theo từng dự án cụ thể (như dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh…), thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu kéo dài hàng năm.

Dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu kéo dài hàng năm. Ảnh: MAUR

Dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu kéo dài hàng năm. Ảnh: MAUR

Các hoạt động này được triển khai sau khi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực dẫn đến thời gian dành cho việc triển khai thi công xây lắp, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị rút ngắn. Chính vì vậy, phần lớn các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn hiệp định để bù đắp khoảng thời gian này. Việc kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá, thay đổi tỷ giá và các tác động khác do thay đổi chính sách (như chính sách về lương nhân công…). Ngoài ra, dự án chậm thực hiện cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, đó là chưa kể chi phí cam kết phát sinh mà Việt Nam phải trả.

Với những vướng mắc phát sinh đó, Bộ Tư pháp đề xuất tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nếu không sửa đổi, bổ sung kịp thời thì sẽ tạo “điểm nghẽn”, gây “ách tắc” cho sự phát triển.

Do đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật đưa ra sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên theo hướng tăng cường phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án sử dụng vốn vay từ nguồn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA viện trợ không hoàn lại và dự án hỗ trợ kỹ thuật. Tăng cường phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án PPP sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, khu chế xuất và dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương; ưu đãi đầu tư cho KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp hoạt động tại trung tâm đổi mới sáng tạo.

Hoàn thiện quy định về triển khai chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm tạo cơ chế linh hoạt, thúc đẩy tiến độ giải ngân và hoàn thành chương trình, dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Hiện, Dự thảo lần 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Luật Điện lực số 28/2004/QH11, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, Luật Hải quan số 54/2014/QH13, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 70/2014/QH13 và Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 đang được cơ quan thẩm định thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét. Dự kiến trình Quốc hội khoá XV xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) theo quy trình một kỳ họp và soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tin cùng chuyên mục