Đưa vốn vào nền kinh tế: Loạt vướng mắc thực tế chờ thể chế khai thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị dự án, đưa dự án vào hoạt động bị doanh nghiệp (DN) phản ánh có vướng mắc, làm chậm đưa vốn vào nền kinh tế. Cùng với việc tăng cường phân cấp, phân quyền, chủ trương đẩy mạnh tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn trong công tác rà soát, xây dựng thể chế của Đảng và Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp chính là giúp khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển. Ảnh: Nhã Chi
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp chính là giúp khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều rào cản làm chậm dòng chảy vốn

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thủ tục hành chính ở giai đoạn chuẩn bị dự án được cộng đồng DN cho là có nhiều vướng mắc nhất hiện nay, làm kéo dài thời gian đưa dòng vốn vào nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, để hoàn tất được thủ tục này, các DN thường mất từ 2 đến 5 năm. Chủ đầu tư phải trải qua rất nhiều bước và nhiều cơ quan có liên quan để xin chấp thuận chủ trương đầu tư hay điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ý nghĩa quản lý nhà nước của thủ tục này là mang tính chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô dự án. Tuy nhiên, khi DN triển khai dự án trên đất được giao đã phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành. Ví dụ, Luật Đất đai có quy định chặt chẽ về quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất cho từng vị trí và khu vực. Trên cơ sở các quy hoạch đó, DN khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với mục đích quy hoạch thì đương nhiên được quyền đầu tư vào mọi ngành, nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm trên diện tích đất đó phù hợp với quy hoạch và mục đích sử dụng đất.

“Thủ tục này trùng lặp trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án tạo ra gánh nặng hành chính cho khu vực kinh tế tư nhân, cả về thời gian và chi phí. Nhiều trường hợp khiến DN mất đi cơ hội kinh doanh do phải chờ đợi quá lâu”, ông Thập nói.

Không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị dự án, theo ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, ngay cả khi dự án hoàn thành xây dựng chuẩn bị đi vào hoạt động, DN cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc do có sự bất hợp lý, vênh nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

“Dự án nhà máy của chúng tôi tại Thái Bình đã xây dựng xong và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện thủ tục nghiệm thu để đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục nghiệm thu vì chưa được thẩm định về môi trường. Theo quy định hiện hành, muốn được cấp phép về môi trường thì phải có kết quả quan trắc môi trường. Muốn có kết quả quan trắc môi trường thì phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với xả thải, phát thải sau khi dự án đi vào hoạt động ít nhất 3 tháng. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho DN, làm “tuột mất” các đơn hàng, trong khi vòng đời của mỗi sản phẩm rất ngắn”, ông Việt phản ánh.

Liên quan tới một dự án đầu tư có sử dụng đất ở một tỉnh biên giới mà DN đang thực hiện, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Tổng giám đốc GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, 2 DN đã liên danh với nhau để đăng ký tham dự và trúng thầu. Theo quy định của pháp luật về đất đai, Nhà nước chỉ giao đất cho pháp nhân, chứ không giao đất cho liên danh. Nhà đầu tư, địa phương đã gửi văn bản hỏi khắp nơi, đến nay qua 8 tháng, vướng mắc này vẫn chưa ngã ngũ.

“Điều này cho thấy chất lượng soạn thảo văn bản hành chính rất thấp, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không rõ ràng khiến cho hệ thống hành chính sợ rủi ro, không dám ra quyết định, bởi không biết làm như thế nào là đúng. Cuối cùng là DN chịu khổ, tốn kém thời gian, chi phí, đặc biệt với các dự án thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới”, ông Hiệp chỉ ra.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vietthink, cũng do quy định có nhiều cách hiểu, quan điểm không nhất quán và đầy đủ về thủ tục, điều kiện triển khai, nhiều dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện bị “đắp chiếu”, không thể đi vào hoạt động cho dù địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù…

Qua rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan cũng như tham vấn một số chủ đầu tư, VCCI chỉ ra một số vấn đề khiến cho việc thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài, gặp khó khăn như: quá nhiều văn bản điều chỉnh một hoạt động đầu tư và quy định thay đổi liên tục; cách thức thiết kế quy định khó tra cứu; việc dẫn chiếu qua lại giữa các văn bản chưa rõ ràng…

Khơi thông điểm nghẽn thủ tục

Từ những bất cập trên, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang đề xuất bãi bỏ quy định về thủ tục chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị, cần sớm bổ sung các cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm pháp luật cho phép áp dụng hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với dự án điện rác; cho phép địa phương ký kết các hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải dài hạn, bên cạnh hình thức đấu thầu hay đặt hàng; sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn…

Nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản pháp luật, ông Hiệp cho rằng, cần phải có cơ quan kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác cải cách thể chế, tránh kiểu cách, hình thức. “Phải lắng nghe người làm thực tế phản ánh họ đang bị vướng ở đâu để tháo gỡ thì mới thực chất”, ông Hiệp nói.

Để cải cách triệt để, loại bỏ quan điểm và tư duy quản lý cục bộ theo bộ, ngành, địa phương như lâu nay, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, cải cách thể chế cần phải trở thành văn hóa làm việc của các bộ, ngành, địa phương và mỗi công chức. Muốn làm được điều này, cần thành lập một cơ quan chuyên trách giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế thuộc Chính phủ (có chuyên môn, độc lập và có thẩm quyền). Mô hình này đã được nhiều nước triển khai hiệu quả. Cơ quan này ở Australia gọi là Ủy ban đặc biệt; Hàn Quốc là Ủy ban Tổng thống về cải cách thể chế; Anh là Hội đồng chịu trách nhiệm về thể chế; Mỹ là Bộ Văn phòng thông tin về cải cách thể chế hay Bộ Hiệu quả… Khi giám sát, nếu phát hiện chính sách không đạt chất lượng thì có quyền bác đề xuất chính sách, kèm theo yêu cầu đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược - CIEM) nhấn mạnh: “Phải có sự áp đặt từ trên xuống hay có sự thúc đẩy từ bên ngoài thì mới có thể đạt được mục tiêu cải cách triệt để mà các nghị quyết đề ra, từ đó tạo sự thay đổi có tính bước ngoặt trong cả hệ thống thể chế cũng như cách thức quản lý nhà nước”.

Tin cùng chuyên mục