Hiện chưa có quy định về thời hạn chậm nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Tiên Giang |
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 80 khu đất (tổng diện tích 344,18 ha) với tổng số tiền trúng đấu giá là 10.807 tỷ đồng. Trong quá trình áp dụng pháp luật về đấu giá tài sản (ĐGTS) và các văn bản pháp luật khác có liên quan, UBND tỉnh Đồng Nai nhận thấy có sự không thống nhất giữa Luật ĐGTS và Luật Đất đai.
Đơn cử, Điều 72 Luật ĐGTS quy định các trường hợp hủy kết quả ĐGTS, tuy nhiên không quy định trường hợp hủy kết quả ĐGTS khi người sử dụng đất không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá. Trong khi đó, Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai quy định: “Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá QSDĐ thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá QSDĐ theo quy định của pháp luật”. Do đó, địa phương này lúng túng trong việc xử lý trường hợp không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá QSDĐ; xử lý số tiền người trúng đấu giá đã nộp (tiền đặt trước) sau khi hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
UBND tỉnh Hải Dương phản ánh, Luật ĐGTS hiện không quy định chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với tài sản là QSDĐ ở do Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất. Việc nộp tiền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 45/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định này lại không quy định thời hạn chậm nộp tối đa là bao nhiêu, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc hủy kết quả trúng đấu giá nếu khách hàng không nộp tiền sử dụng đất…
UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, hiện có nhiều trường hợp trúng đấu giá QSDĐ nhưng vì một lý do nào đó bỏ, chấp nhận bị thu khoản tiền đặt cọc, không loại trừ hiện tượng đầu cơ trục lợi, thổi giá… Tuy nhiên, pháp luật về ĐGTS và pháp luật về đất đai hiện chưa có quy định nhằm hạn chế quyền của những đối tượng trúng đấu giá nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.
Trước thực trạng này, nhiều địa phương kiến nghị sớm bổ sung quy định ở cấp luật, nghị định để hướng dẫn thời gian nộp tiền trúng đấu giá theo phương án đấu giá QSDĐ. Giải pháp “tình thế” để xử lý việc chậm nộp tiền trúng đấu giá đã được một số địa phương áp dụng, đưa vào các quy định đấu giá QSDĐ của địa phương.
Đơn cử, quy định đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được UBND tỉnh này ban hành vào tháng 9/2021 nêu rõ, đối với đất phân lô (thửa) cho hộ gia đình, cá nhân, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá nộp 100% tiền sử dụng đất. Trong thời hạn trên, nếu người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá QSDĐ.
Đối với đất đấu giá để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp giao đất và thuê đất nộp tiền một lần, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất theo thông báo (đợt 1); chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất còn lại theo thông báo (đợt 2). Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá QSDĐ.
Nhằm tạo tính răn đe đối với trường hợp trúng đấu giá QSDĐ nhưng bỏ cọc, không nộp tiền trúng đấu giá, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung quy định chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc sau đó bỏ cọc theo hướng người bỏ cọc có thể bị cấm tham gia các cuộc đấu giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các văn bản pháp lý ở cấp luật chỉ quy định khung chung, chi tiết hơn là các nghị định và thông tư… Nếu quy định về việc chậm nộp tiền trúng đấu giá chưa được quy định trong các văn bản pháp lý cấp luật, nghị định, thông tư thì các địa phương có thể quy định trong các văn bản pháp lý cấp địa phương để làm lành mạnh hóa hoạt động đấu giá QSDĐ. Việc đưa ra quy định “tạm thời” áp dụng trong địa bàn hẹp (địa phương) có thể giúp giải quyết các vấn đề bất cập trong quá trình triển khai đấu giá QSDĐ. Đồng thời, các địa phương phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định xử lý vấn đề này, hoặc tháo gỡ những bất cập, không đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.