Lượng hoá để phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng

(BĐT) - Tại Hội nghị bàn tròn "Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam tổ chức diễn ra chiều tối ngày 13/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải xoá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng trong kinh tế hiện nay.
Lượng hoá để phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng

Hội nghị tập trung thảo luận về ba chủ đề là định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển. Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Vì vậy, Chính phủ luôn cố gắng lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của người dân, của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Chỉ ra hạn chế trong phát triển kinh tế Việt Nam, GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ) trong công trình nghiên cứu của mình cho rằng điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam là chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… PGS. Trần Ngọc Anh cho biết, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.

Tán thành cách đặt vấn đề của GS. Trần Ngọc Anh về việc để xóa bỏ điểm nghẽn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo.

Từ ý kiến này, Chính phủ sẽ tiếp thu để có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn.  “Cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”, Thủ tướng nhấn mạnh

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật. Hoạt động cần có kết quả cụ thể, thiết thực.

"Bộ Công Thương có thể trao đổi sâu hơn với nhóm nghiên cứu của GS Hausmann, GS Trần Văn Thọ, PGS Trần Ngọc Anh và các chuyên gia khác về công nghiệp, thương mại để đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế Việt nam và các chính sách về công nghiệp hóa. Báo cáo Chính phủ về những tiến bộ hàng năm của Việt Nam", Thủ tướng gợi ý.

 Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thường xuyên hơn với các nhà khoa học để tiếp thu, xây dựng, sửa chữa, bổ khuyết những vấn đề về thể chế, chính sách hiện nay, góp phần phát triển đất nước Việt Nam.

Hội nghị bàn tròn "Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam" là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho  phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức Việt Nam đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.