M&A giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới, tăng cường tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và gia tăng thị phần. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
Cushman & Wakefield cho biết, bắt đầu mở cửa từ năm 1986 với chỉ khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp, Việt Nam đã đẩy mạnh lên gần 150.000 ha trong năm 2024 và dần khẳng định vị thế của mình là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2020 đến tháng 9/2024, tổng giá trị giao dịch M&A bất động sản đạt 2,94 tỷ USD, trong đó, bất động sản công nghiệp là loại hình dẫn đầu với tỷ trọng 40%. Chỉ tính riêng M&A 9 tháng đầu năm nay, bất động sản công nghiệp chiếm đến 91% trên tổng giá trị giao dịch 178 triệu USD.
Trong đó, tháng 3/2024, quỹ đầu tư của Singapore là Mapletree Logistics Trust đã chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) mua lại 2 nhà kho hạng A tại Bình Dương và Hưng Yên, có vị trí chiến lược giáp ranh TP.HCM và Hà Nội.
Bên cạnh các loại hình bất động sản công nghiệp truyền thống, thị trường còn đang chứng kiến các loại hình mới nổi nằm bên trong khu công nghiệp.
Tháng 5/2024, VNG Corporation và ST Telemedia Global Data Centres công bố hợp tác về xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP.HCM.
Tháng 6/2024, Tập đoàn Sembcorp công bố hoàn tất việc mua lại gần như toàn bộ cổ phần tại 3 trong số 4 công ty con của Tập đoàn Gelex thông qua công ty con Sembcorp Solar Vietnam. Với các thương vụ này, Sembcorp sẽ bổ sung tổng cộng 196 MW công suất năng lượng điện gió và điện mặt trời vào danh mục hoạt động của Tập đoàn.
Tháng 7/2024, Daiwa House Logistics Trust hoàn tất việc mua lại Dự án D Project Tan Duc 2 tại tỉnh Long An với mức giá là 26,5 triệu USD, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên quỹ tín thác này sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận xét, nhìn về mặt lợi ích, M&A giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới, tăng cường tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và gia tăng thị phần. Đồng thời thúc đẩy phát triển bất động sản theo tiêu chuẩn cao hơn về kỹ thuật, chất lượng, môi trường, giúp doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm và xu hướng từ các chủ đầu tư uy tín trên thế giới.
Trong một thương vụ M&A bất động sản công nghiệp, bên mua - tức các nhà đầu tư định chế - quan tâm đến các tiêu chí như dự án có pháp lý rõ ràng, vị trí thuận lợi, mức giá hợp lý, chất lượng tài sản tốt.
Đối với bên bán, nhà đầu tư quan tâm đến việc đối tác có tiềm lực tài chính mạnh và khả năng hợp tác lâu dài hay không. Sản phẩm của họ cần đáp ứng các tiêu chí của bên mua, có vị trí thuận lợi trong khu công nghiệp và kết nối tốt với cảng biển, sân bay.
Về mặt khó khăn, đối với nhà đầu tư nước ngoài, trở ngại chủ yếu vẫn nằm ở pháp lý, thủ tục hành chính và khả năng tiếp cận bất động sản tốt. Thêm vào đó, hầu hết bất động sản chào bán không được công bố rộng rãi, làm hạn chế khả năng tiếp cận tài sản tốt. Việc định giá chính xác tài sản cũng là một thách thức lớn, vì định giá sai có thể dẫn đến quyết định không chính xác và gây nhiều tổn thất.
Bà Trang Bùi cho hay, thời gian qua, thị trường M&A bất động sản công nghiệp đã diễn ra sôi động nhờ vào những chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như hệ thống cao tốc Bắc - Nam và sân bay quốc tế Long Thành. Đặc biệt, hệ thống luật mới được thông qua trong năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các nghị định hướng dẫn hứa hẹn sẽ đơn giản hóa thủ tục pháp lý, tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp và tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Một tín hiệu khả quan nữa là, việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có liên quan đến sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp trong những năm tới. Nhìn lại giai đoạn thị trường 2017 - 2018 khi ông Donald Trump đương nhiệm, đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ các chính sách của ông. Các nhà sản xuất lớn toàn cầu đã thực thi kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc trong chiến lược “Trung Quốc +1” và “đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.
Vì vậy, trong giai đoạn 2024 - 2027, nguồn cung bất động sản công nghiệp ở Việt Nam dự báo tăng trưởng đáng kể. Đối với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam, nguồn cung tương lai đất công nghiệp sẽ có thêm khoảng 10.600 ha, với tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm. Trong khi đó, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn sẽ tăng thêm nguồn cung lần lượt là 1,9 triệu m2 sàn và 2,6 triệu m2 sàn, đạt tốc độ tăng trưởng 5,9%/năm và 10,1%/năm.
“Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực này. Với tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á và những nỗ lực của Chính phủ, chúng tôi tin rằng thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư”, bà Trang Bùi cho biết.