Mặc rủi ro Ukraine, Fed vẫn sẽ nâng lãi suất trong tuần này?

0:00 / 0:00
0:00
Cho dù xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine có thể gián tiếp kéo lùi tăng trưởng kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong tuần này...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ. Thị trường tài chính toàn cầu đang hướng sự quan tâm tới cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong tuần này - Ảnh: CNBC.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ. Thị trường tài chính toàn cầu đang hướng sự quan tâm tới cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong tuần này - Ảnh: CNBC.

Với khả năng Fed nâng lãi suất đã gần như chắc chắn, điều mà thị trường quan tâm là Fed sẽ phát tín hiệu như thế nào về tiến độ thắt chặt trong thời gian tới.

Khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu cách đây 2 năm, Fed mạnh tay hạ lãi suất cơ bản về ngưỡng 0-0,25% để trợ lực cho nền kinh tế chống chọi với cú sốc do Sars-CoV2 gây ra. Nếu Fed nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, đây sẽ là đợt nâng đầu tiên của Fed kể từ đó.

KINH TẾ CÓ THỂ SUY THOÁI, FED VẪN PHẢI THẮT CHẶT

Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Fed đã sẵn sàng cho một loạt đợt nâng lãi suất bắt đầu từ tháng 3, bất chấp xung đột Nga-Ukraine có những ảnh hưởng kinh tế lan rộng.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tương lai ở Phố Wall dự báo khả năng gần như 100% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này, và sẽ có thêm 5 lần nâng nữa trong 6 cuộc họp chính sách còn lại của năm 2022. Như vậy, đến tháng 12 năm nay, lãi suất cơ bản của Fed sẽ đạt mức 1,5%.

Giới đầu tư, và cả Fed, đều hy vọng rằng việc tăng lãi suất sẽ giúp chống lại đà leo thang của lạm phát. Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất 40 năm. Nhưng dù có giảm bớt được một phần sức ép lạm phát, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ không thể giải quyết được những yếu tố bên ngoài đẩy giá cả leo thang, điển hình là cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine.

Kể từ khi Nga tấn công nước láng giềng, giá năng lượng và các hàng hoá cơ bản khác đã không ngừng leo thang. Nếu Fed thắt chặt quá tay, thì không những các rủi ro này vẫn không được giải quyết, mà lãi suất cao hơn còn đặt ra rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ, thậm chí đẩy Mỹ rơi vào suy thoái.

“Ở thời điểm hiện tại, Fed sẽ thận trọng trong vấn đề tăng lãi suất, xét tới cuộc xung đột ở Ukraine”, chiến lược gia Lindey Bell thuộc Ally nhận định. “Cuộc xung đột làm gia tăng mức độ phức tạp đối với công việc vốn dĩ đã khó khăn của Fed. Ngân hàng trung ương này vẫn sẽ phải dự vào các dữ liệu kinh tế khi đưa ra các quyết định lãi suất tiếp theo trong thời gian còn lại của năm nay”.

Thị trường đang nóng lòng chờ xem trong họp báo sau cuộc họp chính sách, Fed sẽ có đánh giá như thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Trong một báo cáo vào tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs dự báo khả năng Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế trong năm tới là 35%. Các chiến lược gia của Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hầu như không tăng trưởng hoặc chỉ tăng rất ít trong quý 1 này.

“Giá hàng hoá cơ bản tăng cao có thể sẽ khiến tiêu dùng suy giảm vì các hộ gia đình, nhất là những hộ thu nhập thấp, buộc phải tiêu một tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập cho thực phẩm và nhiên liệu”, báo cáo viết.

Các dữ liệu kinh tế theo thời gian thực từ Morning Consult và Ipsos cũng cho thấy “sự suy giảm trong niềm tin của người tiêu dùng Mỹ kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Ngoài ra, các điều kiện tài chính cũng thắt lại, khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn. Chưa kể, nguy cơ kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái trong năm nay cũng ảnh hưởng nhiều đến các công ty Mỹ có chuỗi cung ứng và hoạt động toàn cầu.

THẮT CHẶT LÀ BẮT BUỘC?

“Khi phải cân nhắc giữa lạm phát và suy thoái, người ta sẽ chẳng lo lạm phát tệ đến mức nào. Fed không muốn xảy ra suy thoái vì suy thoái sẽ phá hỏng tất cả những thành quả mà họ đã đạt được về tạo công ăn việc làm và phục hồi kinh tế”, ông Andy Brenner, trưởng bộ phận trái phiếu quốc tế thuộc NatAlliance Securities, nhận định trên tờ Wall Street Journal.

“Tình hình lạm phát sẽ còn xấu đi trước khi được cải thiện. Nhưng Fed bị hạn chế trong tốc độ mà họ có thể tăng lãi suất”, ông Brenner nói thêm.

Trong cuộc họp vào hôm thứ Năm tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gây ngạc nhiên khi tuyên bố sẽ thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến, bất chấp chiến tranh ở Ukraine.

“Kinh tế Mỹ có khả năng sẽ khoẻ hơn kinh tế châu Âu. Nền kinh tế châu Âu rất có thể sẽ rơi vào một cuộc suy thoái, trong khi kinh tế Mỹ hiện nay có sự vững vàng nội tại và linh hoạt tốt hơn, cho dù Fed không có được sự phản ứng kịp thời với lạm phát trong năm ngoái. Đó là một sai lầm chính sách lịch sử của Fed và sẽ làm suy giảm sự linh hoạt chính sách của Fed”, chuyên gia kinh tế Mohamed El-Erian nhận định.

Ngoài cuộc họp của Fed, tuần này còn có cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Giới phân tích dự báo BoE sẽ có lần nâng lãi suất thứ ba kể từ khi đại dịch bắt đầu, mặc cho mối đe doạ đối với tăng trưởng kinh tế từ khủng hoảng Nga-Ukraine.

Tháng 1 vừa qua, lạm phát ở Anh là 5,5%, mức cao nhất 30 năm. Đó là mức lạm phát trước khi giá hàng hoá cơ bản và năng lượng bước vào đợt leo thang chóng mặt do chiến tranh.

Có thể nói rằng, thắt chặt chính sách tiền tệ là điều bắt buộc mà các ngân hàng trung ương như Fed, ECB và BoE phải thực hiện, xét tới bối cảnh lạm phát toàn cầu lớn như hiện nay. Vấn đề nằm ở chỗ các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt với tiến độ như thế nào mà thôi.

Tin cùng chuyên mục