Miếng bánh ngon nhưng phải sàng lọc kỹ nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với gần 50 trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc cần được đầu tư trong 2 - 5 năm tới, đây là một ngành nghề kinh doanh mới, thu hút sự quan tâm của các nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí “gắt” về năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để trúng thầu đầu tư xây dựng và vận hành các trạm dừng nghỉ cao tốc.

Đây cũng là lĩnh vực đầu tư đặc thù, nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư lợi thế ở những hoạt động kinh doanh sẵn có, sự tính toán kỹ lưỡng để đảm đương tốt công việc phục vụ cộng đồng và vẫn đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp.

Đầu tư vào trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc là ngành nghề kinh doanh mới, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhiều nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Internet

Đầu tư vào trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc là ngành nghề kinh doanh mới, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhiều nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Internet

Định hình nhà đầu tư dẫn dắt

Cục Đường cao tốc Việt Nam mới đây phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư tại 4 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm: trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo; trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết; trạm dừng nghỉ Km329+700 thuộc Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45; trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây.

Trong đó, có 3/4 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ nói trên đã thuộc về liên danh Công ty cổ phần xe khách Phương Trang – Công ty TNHH Thành Hiệp Phát (FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT) gồm: trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo; trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết; trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây.

Tổng chi phí mà liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT phải chi để triển khai xây dựng 3 trạm dừng nghỉ nói trên bao gồm cả tiền nộp ngân sách nhà nước, giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào khoảng 900 tỷ đồng.

Kết quả đạt được của Liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT không đến dễ dàng bởi cả 3 dự án thành phần mà liên danh này trúng thầu đều có sự cạnh tranh rất cao. Thậm chí Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, ngoài FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT có tới 6 liên danh nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có những đơn vị rất mạnh.

Bên cạnh đó, để chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong vận hành các trạm dừng nghỉ, tại hồ sơ yêu cầu các dự án đầu tư xây dựng và vận hành các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam cũng yêu cầu nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh phải từng kinh doanh hoặc khai thác dịch vụ chuyên ngành đường bộ thuộc dự án đang xét đáp ứng một trong 2 điều kiện: có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 1 đưa vào khai thác; có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 2 hoặc 3 hoặc 4 đưa vào khai thác, nhưng phải bảo đảm trạm dừng nghỉ có khu kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện và trạm cấp nhiên liệu (có tài liệu chứng minh).

Trong trường hợp không đáp ứng 2 tiêu chí nói trên, nhà đầu tư hoặc thành viên trong liên danh nhà đầu tư phải từng kinh doanh, khai thác tối thiểu 2 dịch vụ: xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới hoặc trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ và trạm cung cấp nhiên liệu xăng, dầu hoặc trạm sạc xe ô tô điện. Đồng thời, có tối thiểu một dịch vụ thuộc 3 dịch vụ: dịch vụ bến, bãi đỗ xe; dịch vụ ăn uống giải khát, bán sản phẩm; dịch vụ lưu trú.

Đối chiếu với các tiêu chí nói trên, liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT có rất nhiều lợi thế do đơn vị đứng đầu liên danh - FUTABUSLINES là thương hiệu vận tải hành khách, logistics lớn đặc biệt ở khu vực phía Nam, đã và đang sở hữu mạng lưới vận tải trên khắp cả nước, hệ thống trạm dừng nghỉ, trung chuyển quy mô được đầu tư bài bản tại một số trục giao thông đường bộ huyết mạch.

Trong đó phải kể đến trạm dừng Satra do FUTABUSLINES đầu tư tại Tiền Giang có quy mô lớn bậc nhất trên toàn tuyến giao thông quốc gia. Trạm dừng này có diện tích 12ha, với chi phí đầu tư lên đến 100 tỷ đồng, hệ thống dịch vụ tiện ích đồng bộ. Do đó, mỗi ngày có hơn 40.000 lượt khách hàng và trên 1.000 lượt xe của các tuyến vận tải toàn miền Tây Nam Bộ ghé chân.

“Chúng tôi đã thẩm định rất kỹ hồ sơ năng lực của liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT. Đây là một trong những nhà đầu tư lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường đầu tư xây dựng và vận hành các trạm dừng nghỉ đường cao tốc”, đại diện lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.

Nói về các bước tiếp theo sau khi tìm được các nhà đầu tư cho 4 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Quang Giang - Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý dự án để đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các nhà đầu tư. Phấn đấu đến đầu tháng 7/2024 sẽ ký được hợp đồng đối với 4 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.”

Ông Nguyễn Quang Giang nói thêm, đây không phải là việc đơn giản bởi theo hồ sơ mời thầu các dự án đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam, tiến độ triển khai tổng thể chỉ có 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công 12 tháng. Cụ thể, hạng mục công trình công cộng, cung cấp các dịch vụ miễn phí tại các trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam mà nhà đầu tư trúng thầu bắt buộc phải đầu tư xây dựng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng cũng rất đồ sộ.

Để tối ưu hiệu quả đầu tư trạm dừng nghỉ

Các trạm dừng nghỉ không chỉ là nơi nghỉ ngơi tái tạo năng lượng cho người tham gia giao thông, cấp nhiên liệu cho các phương tiện sau quãng đường dài, mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phát triển vùng miền, trở thành điểm nhấn về cảnh quan, văn hoá cho địa phương và khu vực.

Với sự an toàn, tiện ích khi lưu thông trên đường cao tốc có trạm dừng nghỉ còn góp phần thu hút người tham gia giao thông yên tâm lựa chọn tuyến đường, tăng lưu lượng phương tiện, tăng hiệu quả khai thác công trình.

Theo PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, với gần 50 trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc cần được đầu tư trong 2 - 5 năm tới, đây hoàn toàn là một ngành nghề kinh doanh mới, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh “bỏ tiền chẵn, nhặt tiền lẻ”, nhiều rủi ro khi nhà đầu tư phải huy động một lượng vốn lên tới 300 – 400 tỷ đồng trong thời gian rất ngắn (tối đa 1,5 năm) trong khi thời gian hoàn vốn kéo dài tới 25 năm.

Toàn bộ hệ thống các công trình công cộng chiếm phần lớn chi phí đầu tư cũng như tốn nhiều chi phí vận hành nhưng lại phải phục vụ miễn phí nên nhà đầu tư chỉ có thể trông đợi vào các khoản thu cho thuê mặt bằng kinh doanh ăn uống, kinh doanh nhiên liệu… Trong khi quy mô đầu tư các trạm dừng nghỉ cơ bản tương đương nhau nên nếu tuyến đường ít phương tiện hoặc tăng trưởng lưu lượng phương tiện không như dự báo, vị trí đặt trạm dừng nghỉ không thực sự hợp lý, khách chi tiêu ít… nhà đầu tư cầm chắc thua lỗ.

Do vậy cần coi đầu tư trạm dừng nghỉ như một lĩnh vực trong hệ sinh thái của nhà đầu tư như trường hợp của FUTABUSLINES để có thể tối ưu chi phí, tận dụng nguồn lực sẵn có trong quá trình triển khai. Cần nói thêm, FUTABUSLINES đã đấu thầu các chuỗi trạm dừng nghỉ và đáp ứng các điều kiện trúng thầu các trạm liền kề nhau trên đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài khoảng 300 km, có lưu lượng xe rất tốt từ Dầu Giây (Đồng Nai) – Phan Thiết (Bình Thuận) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) – Cam Lâm (Khánh Hoà), cũng giúp nhà đầu tư giảm thiểu các chi phí khi có chung thiết kế, chung hệ thống quản lý.

Trước đó, Bộ GTVT đã từng nhận được đề xuất thành lập chuỗi tổ hợp trạm dừng nghỉ đa chức năng rất hiện đại trên cao tốc Bắc - Nam của một liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc. Nhà đầu tư này sau đó rút không tham gia do các cơ quan quản lý tổ chức đầu thầu từng trạm dừng nghỉ mà không tiến hành đấu thầu theo gói từ 5 -10 trạm dừng nghỉ như mong đợi của họ.

“Cuộc đua giành quyền đầu tư khai thác các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam vẫn đang hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị phía trước nhưng cũng chứa đầy những cạm bẫy nếu các nhà đầu tư không tỉnh táo xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hơi, bài bản cho lĩnh vực đặc thù này”, PGS. TS. Trần Chủng nhận định.

Về chất lượng trạm dừng nghỉ, cần phải nhắc lại, giai đoạn trước, còn tình trạng nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ manh mún, thiếu tầm nhìn quy hoạch tổng thể, chỉ đấu thầu để giành quyền kinh doanh nhưng không thực sự chú trọng vai trò và giá trị cốt lõi của trạm dừng nghỉ … Do vậy, khi đã có quy hoạch trạm dừng nghỉ, cùng các quy định, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, vận hành trạm dừng nghỉ ngày càng hoàn thiện, việc đẩy mạnh triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chuyên môn hoá, có tiềm lực để đầu tư bài bản cần được tiến hành khẩn trương.

Chuyên gia Đặng Văn Chung – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đây) nhấn mạnh: “Khi đã có tiêu chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ rồi, chọn hình thức xã hội hóa rồi phải tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể.”

Các chuyên gia đồng thuận, xã hội hoá đầu tư trạm dừng nghỉ là cách làm đúng hướng. Các nhà đầu tư khi được lựa chọn tham gia xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng các quy định hiện nay đã được trải qua nhiều quy trình, nhiều tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe nên có thể tin tưởng sẽ đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để làm tốt công việc theo cam kết, mang lại hiệu quả cho xã hội. Điều quan trọng lúc này là người dân, xã hội cần đồng tình, ủng hộ để tạo động lực cho cơ quan chức năng, nhà đầu tư an tâm thực hiện nhiệm vụ.

Kiến nghị các cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường tổ chức đấu thầu các cụm trạm dừng nghỉ đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc và đầu tư hệ thống giao thông thông minh để đảm bảo an toàn, hiệu quả khai thác các công trình đường cao tốc phục vụ xã hội.

Tin cùng chuyên mục