Minh bạch hơn khi đấu giá trực tuyến

Đấu giá trực tuyến được quy định trong Luật Đấu giá tài sản 2016 sẽ có hiệu lực trong 2 tháng nữa. Tại Việt Nam, đấu giá trực tuyến khá phổ biến dưới hình thức mua bán qua mạng, nhưng vẫn chưa được quy định cụ thể trong luật. 
Minh bạch hơn khi đấu giá trực tuyến

Do vậy, với những khung hành lang pháp lý chặt chẽ, đấu giá trực tuyến được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Đặc biệt, với đấu giá trực tuyến các tài sản nhà nước sẽ được đấu giá một cách công khai, minh bạch hơn.

Công cụ mới

Ngày 1-7 tới Luật Đấu giá tài sản 2016 sẽ có hiệu lực. Để thực hiện việc đấu giá tài sản trực tuyến, Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, nghị định dành đến 10 điều (từ Điều 7 đến Điều 16) để quy định về việc đấu giá trực tuyến. Điều này cho thấy các nhà làm luật và Chính phủ rất quan tâm việc đấu giá trực tuyến.
Đầu tháng 3-2017, thông tin cho biết có 761 ô tô công thanh lý thành công, nộp ngân sách nhà nước 35,15 tỷ đồng. Bình quân, giá mỗi chiếc xe là 46,19 triệu đồng, chỉ tương đương 1 chiếc xe gắn máy. Như vậy, dù giá trị sổ sách của những tài sản này bằng 0 đồng, chắc chắn những ô tô còn sử dụng được này có giá thị trường lớn hơn nhiều so mức giá 46 triệu đồng đã bán đấu giá. 

Việc xe công giá bèo đã trở thành một vấn đề nóng bỏng trong suốt thời gian qua và cho đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa công bố những thông tin chính thức giải thích về mức giá siêu rẻ đó, với lý do cần có thời gian để tập hợp số liệu. Trước hiện tượng đó, không ít người lo ngại về tính minh bạch, hợp lý trong đấu giá tài sản công dẫn đến làm thất thoát tài sản nhà nước.

Như vậy, giả sử tất cả xe công của Nhà nước khi đấu giá được niêm yết trên mạng, tất cả thông tin về chất lượng, mẫu mã, chủng loại sẽ được công bố trên một trang web và giới thiệu công khai. Cùng với đó là những đánh giá của cơ quan thẩm định giá, đánh giá chuyên môn độc lập. Khi đó, tất cả người dân, doanh nghiệp đều có thể đặt mua những xe công đó, và ai trả giá cao nhất sẽ được sở hữu. Nếu kịch bản này xảy ra trên thực tế, chắc hẳn mức giá trung bình của 761 xe kể trên sẽ cao hơn rất nhiều so với 46 triệu đồng, số tiền thu ngân sách sẽ lớn hơn, người tiêu dùng chắc chắn cũng sẽ có nhiều lợi ích bởi có thêm lựa chọn.

Theo cách hiểu hiện nay, đấu giá trực tuyến là hình thức cho phép người tham gia đấu giá thực hiện việc trả giá các tài sản thông qua internet. Tương tự giao dịch chứng khoán, người đấu giá chỉ cần đăng ký, đóng tiền cọc (nếu có) và được cung cấp một tài khoản để truy cập vào trang web hoặc các phần mềm ứng dụng về đấu giá (app) để đặt giá, chọn hàng đang được đấu giá. Người trả giá cao nhất là người thắng trong các cuộc đấu giá. Cách thức này được sử dụng phổ biến tại các nước trên thế giới và thực tế chứng minh có rất nhiều ưu điểm, thuận lợi. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam hình thức đấu giá trực tuyến vẫn chưa phổ biến và chủ yếu được các doanh nghiệp thương mại sử dụng để mua bán các hàng hóa thông thường.

Việc đấu giá này dựa trên quy định của pháp luật về giao dịch thương mại điện tử, thủ tục đấu giá đơn giản, không do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản. Với phương thức đấu giá quy định tại Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, bất kỳ tài sản nào cũng có thể mang lên “sàn” để đấu giá. Dự báo với sự phổ biến của internet, mọi thông tin về tài sản sẽ được công khai minh bạch và nhiều người biết đến. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản bán ra có thể có giá cao hơn và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế hơn, hạn chế được những bất cập của hình thức đấu giá truyền thống như chi phí đi lại, việc tiếp cận thông tin tài sản được bán đấu giá.

Gỡ nút thắt

Các nhà kinh tế chỉ ra lợi ích của nền kinh tế càng gia tăng khi thông tin trên thị trường càng minh bạch và chi phí giao dịch càng thấp. Ngày nay với sự phát triển mạnh của internet, minh bạch thông tin càng được đẩy mạnh và chi phí giao dịch cũng càng giảm. Có thể so sánh việc đấu giá trực tuyến nếu được xây dựng tốt sẽ gỡ được nhiều nút thắt hiện nay trong việc bán các tài sản công và thúc đẩy kinh tế phát triển. Một trong những nút thắt dẫn đến thất thoát tài sản công là do thông tin thiếu minh bạch và thiếu cơ chế quản lý hiệu quả. Với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ chắc chắn sẽ có một lượng tài sản công rất lớn được mang đi đấu giá. Cơ chế đấu giá trực tuyến có thể giúp bán tài sản nhanh hơn, giá cao hơn.

Chẳng hạn hiện nay Chính phủ vẫn đang có hàng ngàn xe công cần thanh lý, nếu tất cả số xe này được đấu giá trực tuyến chắc chắn số tiền thu về sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước đang có nhu cầu thoái vốn tại nhiều tài sản khác như đất đai, cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, Chính phủ cũng có thể đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ hoặc các tài sản đảm bảo. Nếu như được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến, doanh nghiệp và người dân sẽ được tham gia rộng rãi, kỳ vọng tạo ra một thị trường mua bán nợ và tài sản thế chấp sôi động.

Các chuyên gia cũng cho rằng đây là thời điểm quan trọng, cấp thiết để xây dựng, triển khai hành lang pháp lý cho việc đấu giá trực tuyến tại Việt Nam. Theo đó sẽ có thêm các doanh nghiệp thẩm định giá, sàn giao dịch… phát triển. Điều này góp phần không nhỏ vào việc giúp hàng hóa trên thị trường được thúc đẩy lưu thông mạnh hơn. Đồng nghĩa với việc tài sản sẽ được đến tay người sử dụng hiệu quả nhất và qua đó lợi ích của nền kinh tế cũng gia tăng. Dù nhiều ưu điểm, nhưng để đấu giá trực tuyến đi vào cuộc sống cần có sự nỗ lực rất nhiều từ phía cơ quan nhà nước lẫn thị trường. Chẳng hạn, Chính phủ cần xây dựng hoặc khuyến khích sự phát triển của các sàn đấu giá trực tuyến, đưa ra quy định cụ thể một số tài sản nhà nước như cổ phiếu, xe công… trong một số trường hợp bắt buộc phải đấu giá trực tuyến. 

Tin cùng chuyên mục