“Mở khóa” tiềm năng kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo một nghiên cứu của AlphaBeta do Google đặt hàng, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Và một trong những trụ cột giúp Việt Nam nắm bắt đầy đủ tiềm năng kinh tế số (KTS) được chỉ ra là con người - yếu tố then chốt để hiện thực hóa cơ hội.
Chuyển đổi số được coi là đòn bẩy giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Chuyển đổi số được coi là đòn bẩy giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Đã có những kết quả vượt mong đợi

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) và tiến trình chuyển đổi số (CĐS) hướng tới nền kinh tế số đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đây được coi là đòn bẩy giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế. Nhân vật trung tâm trong cuộc cách mạng này chính là con người.

Tại Việt Nam, CĐS đang được tăng tốc, nhất là dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quá trình này đã và đang mang lại những kết quả vượt mong đợi.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hanpo Vina, DN cung ứng linh kiện cho các đối tác lớn như Samsung, Canon, Fuji Xerox… khẳng định, CĐS là “liều kháng sinh” giúp Hanpo nói riêng, DN nói chung thích ứng và vượt qua đại dịch Covid-19. Ông Phương cho biết, nhờ CĐS, DN giảm tỷ lệ hàng lỗi, hàng hỏng; nâng cao biên lợi nhuận; thêm cơ hội xuất hàng cho các đối tác.

“Năm 2021, DN giảm được 50% tỷ lệ hàng hỏng trong lỗi hệ thống. 6 tháng đầu năm 2022 giảm tiếp 20% nhờ cải tiến hệ thống quản lý và CĐS. Bởi thế, trong bão dịch nhưng đơn hàng của Hanpo Vina vẫn bảo đảm, người lao động vẫn duy trì việc làm, cạnh tranh được với các đối thủ từ Trung Quốc và Đông Nam Á”, lãnh đạo Hanpo Vina chia sẻ.

Để đạt được kết quả như vậy, ông Phương cho biết, các DN tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn toàn cầu thì chất lượng sản phẩm, giá thành và thời gian giao hàng là rất quan trọng. Nhận thức vấn đề này, lãnh đạo DN luôn chủ động, quyết liệt thực hiện CĐS.

Nền Kinh tế số được xây dựng dựa trên các ứng dụng công nghệ số, phát triển dựa trên nền tảng tài nguyên tri thức, nên đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo một cách bài bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Đội ngũ này có trình độ học vấn, năng lực làm chủ công nghệ và có tính sáng tạo, khả năng thích nghi nhanh với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc đẩy mạnh ứng dụng CĐS đã giúp cho lãnh đạo Tập đoàn, đơn vị và cán bộ có thể xử lý, giải quyết công việc mọi lúc, mọi nơi, góp phần tăng năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí. Theo EVN, nhờ ứng dụng công nghệ số, chi phí chuyển phát qua đường bưu điện giảm rõ rệt, tiết kiệm rất nhiều so với con đường công văn truyền thống…

Ở khu vực công, quá trình CĐS cũng diễn ra mạnh mẽ, mang lại những kết quả tích cực, giúp người dân, cộng đồng DN nắm bắt cơ hội kinh doanh. Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh, suốt 2 năm dịch bệnh phức tạp, nhờ đẩy mạnh đấu thầu qua mạng nên DN có thể tiếp cận hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu dễ dàng. Nhờ vậy, nhà thầu vừa có cơ hội việc làm, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Ngoài ra, CĐS cũng tạo thuận lợi cho hoạt động đăng ký kinh doanh của DN thông qua thực hiện các thủ tục trên hệ thống điện tử...

Giải bài toán nhân lực thế nào?

Vậy làm thế nào để Việt Nam “mở khóa” cơ hội trong nền KTS? “Chìa khóa” giải bài toán này được nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cũng như trong nước chỉ ra chính là con người - nguồn lực đóng vai trò trung tâm và then chốt.

Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nền KTS được xây dựng dựa trên các ứng dụng công nghệ số, phát triển dựa trên nền tảng tài nguyên tri thức, nên đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo một cách bài bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CĐS trong các ngành, lĩnh vực. Đội ngũ này có trình độ học vấn, năng lực làm chủ công nghệ và có tính sáng tạo, khả năng thích nghi nhanh với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ.

“Người lao động trong nền KTS, với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay thì học một lần không đủ để làm việc cả đời. Trái lại, người lao động cần liên tục cập nhật, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nền KTS”, ông Khải nhấn mạnh.

Theo ông Khải, CĐS có thể khiến nhiều người lao động mất việc làm nhưng cũng tạo ra nhiều công việc mới. Việc làm mất đi tại các ngành mà công nghệ có thể thay thế con người, nhưng lại có những công việc mới được tạo ra trong những ngành cần sự tương hỗ giữa công nghệ hiện đại và lao động có tay nghề.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lực lượng lao động của Việt Nam tụt hậu khá xa về kỹ năng số so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực, nếu không chúng ta sẽ không thu được thành công như mong đợi là đi tắt đón đầu và nhiều lao động Việt Nam sẽ không tìm được việc làm. “Việt Nam cần hành động sớm và quyết liệt hơn để giải quyết các vướng mắc hiện nay của lao động trong CĐS”, ông Khải nhấn mạnh.

Theo đó, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung nguồn lực để giải quyết nhu cầu trước mắt về nguồn nhân lực cho các ngành/lĩnh vực ưu tiên đã được xác định tại Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Về lâu dài, cần có chiến lược đào tạo và đào tạo lại với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống liên quan để đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng ngày một cao của DN đối với lao động có tay nghề.

Hỗ trợ DN thích ứng trong bối cảnh mới, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT và đối tác Hoa Kỳ đã triển khai Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt chú trọng trợ giúp DN phục hồi sau Covid-19.

Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 DN đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn CĐS, 600 DN được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 DN được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về CĐS. Bên cạnh hỗ trợ về CĐS, Cục và đối tác cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho các DN nhỏ và vừa thông qua nền tảng số.

Mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Google ra mắt Chương trình phát triển nhân tài số và hỗ trợ DN khởi nghiệp hướng tới khai phá cơ hội cho nhiều người hơn...

Với hàng loạt các hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS được triển khai, Việt Nam sẽ sớm “mở khóa” được tiềm năng KTS, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN cũng như nền kinh tế.