Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm: Bộ Tài chính nói gì?

(BĐT) - Bộ Tài chính mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác.
Bộ Tài chính mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về việc xếp hạng tín nhiệm. Ảnh: Internet
Bộ Tài chính mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về việc xếp hạng tín nhiệm. Ảnh: Internet

Đây là thông điệp được Bộ Tài chính đưa ra sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia (XHTN) của Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, ngày 9/10/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3).

Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc XHTN bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.

Bộ Tài chính làm rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.

Bộ Tài chính khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bộ Tài chính cho rằng Moody’s chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong việc duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục và việc Moody’s đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.