Một góc đường phố ở thủ đô La Habana, Cuba. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo Moody's, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 nhờ điều kiện bên ngoài thuận lợi thúc đẩy, đặc biệt do tác động từ sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trợ lý Phó Chủ tịch Moody’s. Ariance Ortiz Bollin cảnh báo khả năng khu vực này sẽ phải đối mặt thách thức về sự gia tăng nợ công của nhiều nước. Chuyên gia của Moody's bày tỏ hy vọng các ngân hàng trung ương ở Mỹ Latinh sẽ duy trì chính sách tiền tệ mở rộng trong bối cảnh áp lực về tỷ lệ lạm phát cao vẫn còn tồn tại ở phần lớn quốc gia tại khu vực này.
Ngoài ra, Moody's cảnh báo yếu tố chính trị có thể tạo biến động lớn tại Mỹ Latinh trong năm nay, do ảnh hưởng từ các cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra tại Colombia, Mexico và Brazil.
Cùng ngày, Viện Dữ liệu quốc gia Mexico thông báo tỷ lệ lạm phát trung bình năm của quốc gia Bắc Trung Mỹ trong năm 2017 này ghi nhận ở mức cao nhất trong hơn 16 năm qua, gây sức ép buộc chính phủ có chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế giá cả phi mã. Theo đó, tỷ lệ lạm phát trung bình năm tính đến cuối tháng 12/2017 ghi nhận ở mức 6,7% do giá cả lương thực và năng lượng tăng.
Theo viện trên, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2001, và khép lại một năm đầy bất ổn đối với nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh này. Với tình hình này, càng nhiều khả năng Ngân hàng trung ương Mexico sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong phiên họp chính sách tiền tệ vào tháng Hai tới.
Lạm phát gia tăng hiện này được nhìn nhận chủ đề nóng đối với các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống tại Mexico vào tháng Bảy tới, đặc biệt sẽ là thách thức đối với đại diện của liên minh PRI-PVEM (Đảng Xanh)-AN (đảng Liên minh mới) là cựu Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công, Jose Antonio Meade José Antonio Meade, người đang bị cho là "cha đẻ" của việc giá xăng dầu tăng./.