Một cách định danh nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nguồn nhân lực chất lượng cao có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi đất nước ta mở cửa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
VinGroup và một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở trường đại học, góp sức đào tạo nguồn nhân lực hiện đại cho tương lai Việt Nam
VinGroup và một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở trường đại học, góp sức đào tạo nguồn nhân lực hiện đại cho tương lai Việt Nam

Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng ta sớm có chủ trương phát triển nguồn nhân lực này, nhất là từ Đại hội XI trở lại đây. Định hướng chiến lược của Đảng thể hiện tư duy, tầm nhìn mới về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng để thực thi được, đòi hỏi những giải pháp mạnh và đột phá, mang tầm nhìn quốc gia.

PGS. TS. Đinh Xuân Thảo

PGS. TS. Đinh Xuân Thảo

Nhân tố dẫn dắt sự phát triển

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, là động lực chủ yếu, tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức, là điều kiện quan trọng để quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Lực lượng lao động với các tố chất tốt về thể lực, về trí lực, về phẩm chất đạo đức và tay nghề (kỹ lực) là điều kiện tiên quyết cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; rút ngắn khoảng cách tụt hậu, hiện thực hoá các khát vọng phát triển đất nước.

Kế thừa tinh thần của các đại hội trước, Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đảng xác định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược và đặt ra yêu cầu phải: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

Trên thực tế, Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực dồi dào về số lượng nhưng còn hạn chế về chất lượng. Cả nước có hơn 24.000 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học; hơn 15.000 giáo sư, phó giáo sư; hơn 100.000 thạc sỹ; hơn 30.000 cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ; hơn 52.000 giảng viên đại học, cao đẳng, trong đó 49% giảng viên đại học có trình độ thạc sỹ trở lên. Trong số 9.000 tiến sỹ được điều tra, có 70% giữ chức vụ quản lý, 30% làm công tác chuyên môn khoa học.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy, nước ta có 63% sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm. Trong số 37% sinh viên ra trường có việc làm, về cơ bản lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhận sinh viên mới tốt nghiệp vào làm việc phải dành 1 đến 2 năm để đào tạo lại. Rõ ràng là chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp, có sự mâu thuẫn giữa lượng và chất của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên bình diện quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam mới đạt mức 3,79/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn ở mức thấp trên bảng xếp hạng các nước. Thực tế trên cho thấy, mặc dù Đảng và Nhà nước rất chú ý đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhưng việc đào tạo chưa thực sự hiệu quả. Làm thế nào để khắc phục được là câu hỏi lớn cần lời giải cho tương lai phát triển Việt Nam.

Vì lợi ích trăm năm trồng người

Phát biểu tại “Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc”, ngày 13/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Lời Bác dạy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, bởi bất kỳ một đất nước, một tổ chức nào muốn phát triển bền vững, muốn có một tương lai rạng rỡ phía trước thì đất nước, tổ chức đó phải biết quan tâm đến vấn đề “trồng người”, tức là phải luôn biết chăm lo, giáo dục, đào tạo con người. Đó là một quy luật phát triển tất yếu.

Nguồn nhân lực là toàn bộ những người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động của một quốc gia. Nguồn nhân lực là một yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất, đang hoặc sẽ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, nhưng là một bộ phận đặc biệt, bao gồm những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên và những người không qua trường lớp đào tạo như những nghệ nhân, những người có khả năng đặc biệt, làm được những công việc mà ít người làm được.

Để hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chính phủ cần sớm xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Cần xác định thật rõ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là trách nhiệm của các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi nhà. Điều nước ta cần làm là đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ chất lượng giáo dục - đào tạo, để người được đào tạo hội tụ đủ 4 tố chất cần có, đó là trí lực, kỹ lực, thể lực và đạo đức làm nghề. Đây là nhiệm vụ then chốt, là giải pháp trọng yếu để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng cho Việt Nam.

Ở khía cạnh khác cũng cần nhận ra rằng, cuộc sống xuất hiện nhiều người có năng lực đặc biệt, làm được những việc mà người bình thường không thể làm được. Theo đó, bên cạnh đổi mới giáo dục - đào tạo nói chung, Chính phủ nên giao cho một số đơn vị nghiên cứu khoa học trách nhiệm phát hiện, tập hợp những người có khả năng đặc biệt trong cả nước. Những khả năng đặc biệt, nếu có ích cho nhiều người thì người đó cần được ghi nhận và quy tụ, tạo môi trường để phát huy tài năng, góp sức cho sự phát triển của xã hội.

Tiềm năng con người, theo các nhà khoa học, giống như những “khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất”, chúng ta không thể thấy được, nhưng nếu biết khai thác và chế biến đúng cách, nó sẽ trở thành những khả năng đặc biệt, quý báu. Mở một “cánh cửa” tìm hiểu về tiềm năng con người để khám phá, phát triển những năng lực đặc biệt là một hành trình mới mẻ, thách thức, nhưng đáng được Nhà nước xem xét, thực thi.

Để đất nước đạt được mục tiêu khát vọng, gia nhập nhóm các nước có thu nhập cao vào năm 2045, việc ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với phát hiện, quy tụ và tạo môi trường cho người có khả năng đặc biệt là cần thiết. Hy vọng Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội và từng gia đình, từng cá nhân sẽ ưu tiên nguồn lực cho sự nghiệp “trồng người”, để trong tương lai không xa, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ thực sự là khâu đột phá trong những khâu đột phá, đưa Việt Nam vươn tầm phát triển.