Giữa lòng Huế, Thành Nội lịch sử là một mẫu mực về cấu trúc cân đối, hài hòa. Ảnh: Vũ Long |
Nơi quá khứ - hiện tại hòa hợp
Hơn bốn mươi năm trước, một cậu bé từ làng quê ven đô lần đầu đặt chân vô Thành Nội và ngẩn ngơ như bước vào một vương quốc cổ xưa trong chuyện cổ tích. Cậu bé đó là tôi - đã đứng suốt buổi chiều để ngắm cái lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn đẹp đến mê hồn. Cái tòa lâu đài bằng gỗ đã trở thành biểu tượng của Huế lưu truyền khắp thế giới. Lúc đó là mùa hè, ve kêu râm ran trên vòm cây xanh trước Tam Tòa, công sở của Viện Cơ mật triều Nguyễn năm xưa. Không gian bình yên đến độ như muốn nhắm mắt ngủ một giấc. Và tôi đã ngủ quên trên thảm cỏ trước Tam Tòa cho đến khi đứa bạn lay dậy. Chúng tôi chui ra khỏi cửa Thượng Tứ mà cảm giác như vừa choàng tỉnh sau một giấc mơ. Tôi ngoái nhìn cái xứ sở cổ tích ấy và ước hẹn một ngày mình sẽ trở lại…
Tưởng là giấc mơ ấy sẽ không bao giờ thực hiện được, nhưng rồi tôi đã có hơn mười năm được sống trong Thành Nội. Nơi tôi trọ là một căn hộ trong khu nhà có tên là Cư xá Lao động, một khu “chung cư thu nhập thấp” do chính quyền chế độ cũ xây dựng cho người lao động nghèo ở ngay gần cửa Hòa Bình. Cư xá của giới xích lô, xe thồ nhưng tọa lạc trên khu đất mà hơn nửa thế kỷ trước là trung tâm chính trị của quốc gia!
Vùng đất này “hóa rồng” từ khi chúa Nguyễn Phúc Thái dời thủ phủ Đàng Trong từ làng Kim Long sang làng Phú Xuân, vào năm 1687. Nơi đó là thủ phủ của Đàng Trong và sau này là kinh đô của nước Việt suốt hơn hai thế kỷ, chính xác là 258 năm (kể từ năm 1687). Biết bao thăng trầm lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất rộng 520 ha, vốn là đất của 8 làng thuộc huyện Kim Trà, mà sau này người Huế gọi là Thành Nội. Từ làng Phú Xuân trở thành kinh đô Phú Xuân là mấy cuộc bể dâu với biết bao chìm nổi của hàng triệu kiếp người. Người là vua, người là quan, người là dân, người ta lẫn người tây... đã từng in dấu trong không gian này.
Nơi con người giao hòa với thiên nhiên
Gần trăm năm trước, vào đầu thập niên 1930, một người Pháp tên là Hermann Norden, trong một chuyến du ngoạn đến Huế, đã thốt lên: “Tôi chưa bao giờ gặp nơi nào ở phương Đông có vườn tược và công viên được gìn giữ tuyệt vời ngoạn mục như ở đây” (theo sách A travers L’Indo-chine, NXB Payot, Paris 1931).
Từ trên cao nhìn xuống kinh thành Huế chỉ thấy một màu xanh. Cung điện, đền đài, nhà cửa, phố phường, xe cộ đều khuất dưới tán xanh của cây cối. Kinh thành như là khung của bức tranh và các hào nước thật đúng là “những con kênh thêu ren, chạm khắc” như lời tiến sĩ A.M. M’Bow - vị Tổng giám đốc UNESCO đặc biệt yêu Huế. Trong lần đến khảo sát Huế vào năm 1981, khi đó Hoàng thành vẫn còn trong đống đổ nát, M’Bow đã nhìn thấy: “Giữa lòng Huế, Thành Nội lịch sử là một mẫu mực về cấu trúc cân đối, sự hài hòa rất tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã tạo ra nó”.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cũng là một trong những chuyên gia trong đoàn công tác này, để sau đó quần thể di sản cố đô Huế được vinh danh là Di sản nhân loại. Ông Kính là người say đắm với Huế và đọc được những thông điệp của tiền nhân khi tạo ra kinh thành Huế. Năm 2003, ông trở lại Huế để thực hiện một việc quan trọng là “kiểm kê” quỹ kiến trúc đô thị và tâm sự rằng: “Tôi thường tự vấn, ở chốn đô thị này, cái gì ngự trị, kiến trúc hay thiên nhiên?”. Và ông đã trả lời: “Huế là đô thị mà ngự trị là thiên nhiên. Những gì tạo nên bởi con người chỉ là sự khảm nạm vào thiên nhiên”.
Đầu xuân năm đó, tôi được hân hạnh đưa nhà kiến trúc tài hoa này đi chơi trên những con đường Thành Nội nở vàng hoa mai bên những hàng rào chè tàu xanh mướt. Đi qua đường Lê Thánh Tôn, Hàn Thuyên, đến đường Đoàn Thị Điểm, ông bảo dừng lại. Ông ngắm nghía rất lâu rồi nói: “Di sản nhân loại cố đô Huế không chỉ là cung điện, đền đài mà còn những con đường thơ mộng như thế này”. Khi biết tôi đang tá túc trong khu cư xá ngay phía sau Đại Nội, ông nói: “Cậu đang ở trong một nơi sang trọng bậc nhất Việt Nam đấy!”. Tôi cũng nghĩ vậy, một ngôi nhà nhỏ trong một khu vườn lớn thì sẽ thấy ngôi nhà ấy không hề nhỏ chút nào. Nếu đó là một khu vườn đẹp diệu vợi, thì ngôi nhà ấy dù chỉ là một căn hộ cũ kỹ cũng là cũ kỹ xinh đẹp. Thành Nội Huế chính là khu vườn như thế!
Để bảo vệ màu xanh, cũng như kiểm soát việc nhập cư vào Thành Nội, chính quyền TP. Huế quy định mỗi căn nhà muốn xây dựng mới phải tọa lạc trên mảnh đất tối thiểu là 200 m2. Tôi không đủ tiền để mua 200 m2 đất Thành Nội, dù đã cố tìm đến những góc xa như Tây Linh, Mang Cá. Một người bày tôi cứ mua cái nền trăm mét vuông trong một cái kiệt sâu xa khu vực Đại Nội, rồi xây nhà theo kiểu “chịu phạt để tồn tại”. Như vậy thì còn chi là Thành Nội yêu kiều! Ai cũng muốn được sống trong Thành Nội xanh mát, nhà trong vườn, xe cộ khuất sau hàng cây, mà ai cũng đúc một cái nhà bê tông vuông vuông như thế, thì còn đâu nữa cái không gian xanh mát như thiên nhiên ngự trị?!
Tôi đành phải chia tay Thành Nội để tìm một khu vườn ở ngoại ô. Buổi sáng đi làm cứ tiếc ngẩn ngơ cái cảm giác bước ra cổng thành như bước ra khỏi thế giới cổ tích. Sau một ngày “quần quật với trần gian”, tôi lại được bước vào cổng thành rêu phong, trở về thế giới cổ tích của mình. Nhớ những đêm trăng tháng Tư đầu hạ, hồ Tịnh Tâm nở ngát hương sen. Nhớ nhất là những sớm mai đầu xuân rét ngọt, sương mù phủ kín hoàng thành. Thành Nội như ướp đẫm trong mùi hương ngào ngạt của hoa mai. Trong hoài niệm, tôi chợt hỏi: giả sử vì một biến động gì đó, Thành Nội biến mất khỏi trần gian, thì Huế sẽ ra sao?
Điều đó chỉ xảy ra khi người Huế không còn biết Thành Nội là vàng ngọc châu báu của mình. Không xao xuyến khi đi dưới những con đường có “hàng cây lá xanh gần với nhau” mà Trịnh Công Sơn đã yêu tha thiết. Không đau khi một ngôi nhà vườn bị cắt xén, không xót xa khi một ngôi nhà kệch cỡm mọc lên trong không gian cổ tích ấy. Vâng, nếu người Huế không vô Thành Nội mà chẳng mảy may dù chỉ một chút nhớ hoài, thì Thành Nội có cũng như không!