Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng về tăng trưởng trên bản đồ kinh tế thế giới |
Năm 2020 có lẽ là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên. Một năm mà bản lĩnh, trí tuệ, ý chí người Việt và nền kinh tế Việt Nam đã được tôi luyện qua lửa thử thách, để tiến bước vững chắc, mạnh mẽ hơn trên con đường phát triển đầy chông gai nhưng cũng nhiều cơ hội phía trước.
Thành tích gần như “độc nhất, vô nhị”
Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt khi mà Việt Nam cùng với thế giới đương đầu với đại dịch Covid-19 - cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, gây ra những tác hại vô cùng lớn đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong bối cảnh khó khăn song vẫn cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát của năm 2020, trong đó đạt được 8/12 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP đạt 2,91% thuộc nhóm các nước cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái.
Đặc biệt, bất chấp những khó khăn do đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một điểm sáng, đạt thành tích ngoạn mục với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Không chỉ đạt giá trị xuất siêu cao nhất từ trước đến nay, Việt Nam còn tích lũy được một lượng lớn dự trữ ngoại hối. “Những diễn biến tích cực đó là điều khó ai có thể ngờ tới ở giai đoạn đầu của khủng hoảng Covid-19. Tại thời điểm đó, Việt Nam được cho là có nguy cơ bị tổn thương cao trong điều kiện kinh tế toàn cầu bị suy thoái và đóng cửa biên giới”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định. Kết quả của năm 2020 theo WB là thành tích gần như độc nhất vô nhị của Việt Nam trong khủng hoảng Covid-19.
Ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, với năng lực quản lý rủi ro tuyệt vời, Việt Nam đã thành công trong đạt tăng trưởng GDP dương, đối lập với tình hình kinh tế tiêu điều của nhiều nước và sự chật vật ứng phó với Covid-19 của nhiều nước trên thế giới. Bối cảnh này càng làm cho hình ảnh của Việt Nam trở nên ấn tượng, hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Đối với không ít doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam đã trở thành đất nước hấp dẫn nhất ở châu Á, thậm chí trong một số lĩnh vực được coi là hấp dẫn nhất thế giới.
Kết quả của lửa nhiệt huyết, trí tuệ, sáng tạo
Tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều chung nhận định, năm 2020, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã đạt được thành tích kép. Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, cùng với Tổ tư vấn, Bộ KH&ĐT là hai trong số rất ít cơ quan ngay từ tháng 2/2020 đã xây dựng các kịch bản đối phó với Covid-19, đưa ra những kịch bản khác nhau, kinh tế có thể tăng trưởng 4% ở kịch bản xấu nhất. Qua từng quý liên tục điều chỉnh dự báo theo diễn biến tình hình dịch trong nước và thế giới. Công tác dự báo trong năm 2020 có lẽ chuẩn xác nhất trong 5 năm kế hoạch 2016 - 2020.
Thực tế ngay từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ động đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế. Đồng thời, nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng… Không chỉ thúc đẩy đầu tư công, mà cả khu vực tư nhân, FDI để thu hút, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Từ đó chủ động kiến nghị Chính phủ các giải pháp trúng, đúng, kịp thời, đủ mạnh, không để kinh tế giảm sâu, duy trì được sản xuất ở một mức độ hợp lý nhất, tranh thủ cơ hội để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh giải pháp, chính sách kịp thời, kết quả đạt mục tiêu kép của năm 2020 còn bởi lửa nhiệt huyết. Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương tổ chức đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lãnh đạo chính quyền các cấp, các bộ, ngành phải sôi sục giải pháp, hăm hở xông pha, bởi thành bại của nền kinh tế giờ đều phải trông vào lửa nhiệt huyết. Lãnh đạo Chính phủ đã sâu sát, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để trực tiếp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, Bộ KH&ĐT đã tổ chức các đoàn công tác thực địa, kiểm tra tiến độ dự án tại nhiều địa phương, làm việc với nhiều bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các cuộc làm việc diễn ra với cường độ dày đặc, không kể ngày nghỉ để nhanh chóng nắm sát tình hình thực tế, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc của từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, từng doanh nghiệp, từng địa phương, đồng thời, tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng.
Ở góc nhìn của khu vực doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, những thành công về mặt kinh tế trong năm 2020 là kết quả từ những nỗ lực của Nhà nước trong công tác khống chế dịch Covid-19 và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể. Trong lúc dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính với việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Chính phủ đã tiếp tục thúc đẩy chương trình rà soát và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh với trọng tâm cải cách các quy định về kinh doanh và gỡ bỏ chồng chéo xung đột. Đặc biệt, vào tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu cụ thể giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, những thành công nêu trên có được cũng nhờ sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực trong duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại...
2021 - thách thức lớn, cơ hội không nhỏ
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2021 dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và có thể dẫn tới khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu, nảy sinh những nguy cơ, thách thức mới. Ở trong nước, dự báo nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh thách thức cũng có nhiều cơ hội. Việt Nam là một nước đang phát triển đầy tiềm năng. Tình hình chính trị - xã hội ổn định; niềm tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội từ Covid-19 không chỉ là thị trường, chuyển dịch đầu tư... mà quan trọng hơn còn là cơ hội cho việc đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng bền vững, bao trùm, kinh tế xanh…
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những cơ hội mở ra từ các hiệp định mới. Đặc biệt, việc Chính phủ nhanh chóng xây dựng và ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện EVFTA đã mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường EU đầy tiềm năng. Một tín hiệu tích cực khác với doanh nghiệp Việt Nam là ngày 11/12/2020, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký biên bản ghi nhớ kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Anh (UKVFTA). Quốc hội cũng đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua thách thức của đại dịch, vững bước trên con đường tiến tới phục hồi và thịnh vượng. Cùng với những tiến bộ trong việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin trên thế giới, nhu cầu bên ngoài đã và sẽ dần phục hồi vào năm 2021, rất có lợi cho một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng đã và đang dần thích nghi trong điều kiện “bình thường mới”.
WB dự báo triển vọng tích cực cho Việt Nam trong thời gian tới với tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Việt Nam có thể tận dụng được một số xu hướng toàn cầu, đang được đẩy nhanh bởi Covid-19, nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước. Covid-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc”, phát triển nền kinh tế số...
Thực hiện đồng bộ cả giải pháp đặc thù và trường kỳ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời gian đầu của giai đoạn 2021 - 2025 khi còn dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 nhằm tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Trên cơ sở Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Bộ KH&ĐT xây dựng, tại hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 28, 29/12/2020, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ thống nhất chủ đề năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trên tinh thần đó, thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo: trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.
Bộ KH&ĐT nhận định, xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư… vừa là thời cơ, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021.
Cho rằng cơ hội không gõ cửa hai lần và cũng không tự tìm đến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc chủ động, hành động để chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón bắt cơ hội và tạo dựng cơ hội cho chính mình. Việt Nam cần có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh sau khi hết dịch, tận dụng mọi cơ hội để bứt phá trong năm 2021, tạo đà cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.