Công nghệ thi công thay đổi hàng ngày, có nhiều công nghệ, biện pháp, phương thức mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, nhưng bộ định mức mới nhất đã ban hành 3 năm trước. Ảnh: Hùng Sơn |
Định mức luôn có độ trễ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 12/2021/TT-BXD trong đó cập nhật, bổ sung gần 989 mã định mức. Tuy nhiên, khi thi công thực tế có nhiều thay đổi, từ công nghệ, địa chất địa hình đến điều kiện thi công, vì thế định mức luôn phải rà soát, sửa đổi, cập nhật.
Trao đổi tại một tọa đàm, ông Nguyễn Tấn Vinh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin, định mức có độ trễ so với thực tế do đây là kết tinh tổng hợp từ thực tế. Định mức không bao giờ đi trước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiết giảm chi phí là việc của nhà thầu, hay bản thân chủ đầu tư khi lập dự án đã có chủ trương áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới. Ngay cả trong quá trình thi công, khuyến khích đổi mới công nghệ để giảm chi phí, tăng năng suất thì đó là yếu tố thị trường. Còn bản chất khoa học, định mức là có độ trễ.
Đại diện khác của Viện Kinh tế xây dựng cho biết, thực tế, hệ thống định mức của Bộ Xây dựng được áp dụng từ lâu và gần như đầy đủ các danh mục, bao phủ hết các mặt. Song, giai đoạn gần đây có thêm những dự án mới, thêm nhiều tiêu chuẩn mới, công nghệ, máy móc mới… nên việc vận dụng định mức mới có nhiều bất cập. Dù đã có cơ chế để chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tham gia xây dựng định mức, nhưng vẫn có nhiều khó khăn, rào cản trong thực tế. Chính vì vậy hệ thống định mức không theo kịp tiến bộ của công nghệ, máy móc, công trình.
Thực tế trên gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại cho nhà thầu khi mà nhiều công việc hiện không có định mức hoặc định mức đã lạc hậu. “Điều này khiến nhà thầu càng làm càng lỗ, một số doanh nghiệp xây dựng không muốn đảm nhận các dự án đầu tư công”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) không ít lần chia sẻ.
Rất nhiều doanh nghiệp khẳng định, khó khăn lớn nhất đối với nhà thầu xây dựng giao thông hiện nay chính là hệ thống đơn giá, định mức quá thấp, lạc hậu rất xa so với thực tế. Với dự toán gói thầu có vốn nhà nước được xây dựng trên hệ thống đơn giá, định mức như trên, nhà thầu dù giành được hợp đồng cũng rất khó có lợi nhuận, thậm chí đối diện với thua lỗ nếu gặp biến động giá lớn như giai đoạn vừa qua. Theo đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, việc tháo vòng kim cô mang tên đơn giá, định mức đang là vấn đề cấp thiết, nếu không, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tích lũy tiềm lực để trưởng thành, vươn tầm quốc tế.
Hướng tới cách quản lý mới, tuân theo thị trường
Công nghệ thi công thay đổi hàng ngày, có nhiều công nghệ, biện pháp, phương thức mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, nhưng bộ định mức mới nhất ban hành kèm theo Thông tư 12/2021/TT-BXD đã ban hành 3 năm trước. Rõ ràng, định mức và thực tiễn thi công luôn có khoảng cách. Như khẳng định của Bộ Xây dựng, các cơ quan nhà nước chưa thể cập nhật được tất cả những công nghệ mới, thiết bị mới với năng suất mới.
Tại một tọa đàm về tháo gỡ vướng mắc về đơn giá, định mức mới đây, ông Trần Đình Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho rằng, để hệ thống định mức bắt kịp thực tiễn, trước mắt ở giai đoạn này (giai đoạn 1), các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp, chủ đầu tư cùng chung tay với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cung cấp thêm cơ sở dữ liệu chính xác, có định lượng để xác định, lập các định mức, đề nghị Bộ Xây dựng thỏa thuận thống nhất để Bộ GTVT ban hành định mức chuyên ngành, tập trung vào những định mức lớn. Ở giai đoạn 2, kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu việc tái cơ cấu Viện Chiến lược và Phát triển GTVT hoặc Viện Khoa học công nghệ để các đơn vị này có chức năng xây dựng định mức, tư vấn lập định mức như Viện Kinh tế xây dựng của Bộ Xây dựng. Tư vấn, nhà thầu thấy định mức bất cập cũng chủ động xây dựng và gửi về cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT. Định mức nào đủ điều kiện ban hành thì đề xuất ban hành. Cái nào chưa đủ thì đưa vào kế hoạch, đưa vào gói thầu tư vấn xây dựng định mức, thuê cơ quan phù hợp nghiên cứu xây dựng trong quá trình thi công. Giai đoạn 3, cơ quan quản lý nhà nước như Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xem xét, tham mưu việc quản lý chi phí xem nên theo hướng quản lý chi phí bằng định mức hay theo đơn giá thị trường.
“Với số lượng 40.000 định mức hiện nay, để bắt kịp với sự thay đổi về công nghệ, đơn giá vật liệu, nhân công là điều rất khó. Nên chăng, chúng ta học hỏi các nước tiên tiến, có một hệ thống thông tin chung để chủ đầu tư, nhà thầu cập nhật thường xuyên về đơn giá tại từng vùng, từng miền. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ đưa ra khuyến cáo việc xây dựng đơn giá với từng vùng, từng miền. Quyền quyết định là ở chủ đầu tư", ông Trần Đình Tuyên nêu ý kiến.
Theo tổng hợp của VACC, nhiều doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng với các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá theo lộ trình. Trước mắt, bổ sung các định mức chưa có và điều chỉnh từng bước cập nhật với công nghệ xây dựng mới, đồng thời chuyển dần theo hướng xây dựng đơn giá tổng hợp để lập tổng mức đầu tư cho các dự án, bỏ dần hệ thống định mức dự toán chi tiết.
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng rất mong chờ ngành xây dựng và ngành giao thông có cách thức tiếp cận về định mức phù hợp trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông. Theo ông Lộc, vấn đề bất cập về đơn giá, định mức đang rất lớn, không chỉ với ngành giao thông mà cả với các ngành khác. Quản lý nhà nước đang quản lý đến từng định mức, đơn giá trong khi khối lượng công việc vô cùng lớn. “Trong tương lai tôi cũng không hiểu cơ quan nhà nước làm thế nào thực hiện được trách nhiệm này, nhất là trong bối cảnh biến đổi công nghệ nhanh chóng. Nếu Nhà nước ôm quản lý từng định mức thì rất khó”, ông Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề và cho rằng, về lâu dài cần có cách quản lý phù hợp thị trường hơn.