Mua Ure tại Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang: Vì sao Vinachem Việt Nam liên tục kiến nghị?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tham dự Gói thầu Mua sắm Ure phục vụ sản xuất do Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) mời thầu với giá dự thầu cạnh tranh nhất, song lại sớm bị loại, Công ty CP Vinachem Việt Nam đã 3 lần kiến nghị về tính minh bạch, cạnh tranh của cuộc thầu.
Vinachem Việt Nam đã 3 lần kiến nghị khi tham dự Gói thầu Mua sắm Ure phục vụ sản xuất do Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Vinachem Việt Nam đã 3 lần kiến nghị khi tham dự Gói thầu Mua sắm Ure phục vụ sản xuất do Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá dự toán 6.695.000.000 đồng, sử dụng vốn chi thường xuyên từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 16/2 - 27/2/2023.

Báo cáo đánh giá được Bên mời thầu công bố cho thấy, trong số 3 nhà thầu tham dự, Công ty TNHH Hóa chất Sao Vàng và Công ty CP Vinafarm Việt Nam cùng đạt năng lực, kinh nghiệm, đề xuất cùng mức giá dự thầu (6.662.500.000 đồng). Tuy nhiên, dựa theo tiêu chí về số lần tham gia dự thầu, trúng thầu, doanh số, doanh thu của nhà thầu; yếu tố thời hạn thanh toán, uy tín, khả năng hợp tác của nhà thầu; yếu tố về vị trí địa lý..., Công ty TNHH Hóa chất Sao Vàng được mời thương thảo và trao hợp đồng.

Công ty CP Vinachem Việt Nam bị loại tại bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm, do hồ sơ dự thầu (HSDT) không kê khai doanh thu, lợi nhuận năm 2020.

Không đồng tình với đánh giá nêu trên, ngày 6/3/2023, Vinachem Việt Nam đã có đơn kiến nghị Bên mời thầu xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu.

Vinachem Việt Nam cho biết, Công ty được thành lập ngày 16/4/2020. Theo đó, giá trị doanh thu năm 2020 của nhà thầu bằng 0, đã được thể hiện theo báo cáo tài chính năm 2020 đính kèm HSDT. Trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, HSDT không thể hiện giá trị này.

Cũng theo Vinachem Việt Nam, đối với “doanh thu bình quân hàng năm”, form mẫu số 08 kèm theo HSMT hướng dẫn cụ thể như sau: “Ghi thời gian yêu cầu, thông thường từ 3 đến 5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu. Trường hợp nhà thầu có số năm thành lập ít hơn số năm theo yêu cầu của HSMT thì doanh thu bình quân hằng năm (không bao gồm thuế VAT) được tính trên số năm mà nhà thầu thành lập. Trường hợp doanh thu bình quân hằng năm (không bao gồm thuế VAT) của nhà thầu đáp ứng yêu cầu về giá trị của HSMT thì nhà thầu vẫn được đánh giá tiếp mà không bị loại”.

Với doanh thu bình quân trong 3 năm (2020 - 2022) là 63.641.975.920 đồng > 3 tỷ đồng theo yêu cầu của HSMT, Nhà thầu cho rằng, HSDT hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Việc Bên mời thầu loại bỏ Nhà thầu khi chưa xem xét đầy đủ, toàn diện HSDT là chưa thỏa đáng, không tuân thủ nguyên tắc làm rõ HSDT quy định tại Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Cũng theo Vinachem Việt Nam, HSMT còn thể hiện yếu tố hạn chế cạnh tranh khi yêu cầu công nghệ sản xuất Ure có nguồn gốc khí điện đạm. “Với tiêu chí này, thị trường hiện chỉ có Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau đáp ứng. Ngoài ra, theo chúng tôi tìm hiểu, các đơn vị thành viên khác của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam như: Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị, Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha khi đấu thầu mua sắm Ure đều không quy định nội dung này. Việc Bên mời thầu đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật như trên vô hình trung “khoanh vùng” số lượng nhà thầu tham dự, hạn chế cạnh tranh tại cuộc thầu”, Vinachem nêu quan điểm.

Trong công văn phúc đáp kiến nghị gửi Nhà thầu, Bên mời thầu khẳng định, việc đánh giá HSDT căn cứ vào HSMT và các tài liệu liên quan khác để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện Gói thầu.

Cho rằng nội dung phúc đáp không rõ ràng, không đề cập trực diện vào nội dung kiến nghị cũng như cơ sở pháp lý loại Nhà thầu, Vinachem Việt Nam liên tiếp có đơn kiến nghị lần 2 (ngày 25/3) và lần 3 (ngày 28/4) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan chức năng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang cho biết, liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, thay vì sử dụng Ure có nguồn nhập khẩu từ các quốc gia Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ... như trước đây, Công ty hiện sử dụng Ure có nguồn gốc khí điện đạm nhằm tăng hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn đặc thù của đơn vị. Theo vị đại diện, Bên mời thầu không nhận được bất kỳ yêu cầu làm rõ nào trong suốt quá trình phát hành HSMT và việc Nhà thầu kiến nghị nội dung này sau thời điểm đóng thầu là không chính đáng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Hóa chất Sao Vàng đã hoàn tất giao hàng và đang thực hiện thủ tục thanh quyết toán, đại diện Bên mời thầu cho hay.

Tin cùng chuyên mục