Muôn mặt đánh giá uy tín nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, uy tín của nhà thầu được xem xét, đánh giá thông qua việc tham dự thầu và thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT) lại đang phát sinh nhiều “thước đo” uy tín không phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu.
Theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, uy tín của nhà thầu được xem xét, đánh giá thông qua việc tham dự thầu và thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, uy tín của nhà thầu được xem xét, đánh giá thông qua việc tham dự thầu và thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm

Đầu tháng 12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 11 Cung cấp, lắp đặt toàn bộ phần thiết bị thuộc Dự án Xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị Trường chính trị Châu Văn Đặng, có giá dự toán 4,2 tỷ đồng. Theo yêu cầu của HSMT, để đạt đánh giá về uy tín, bên cạnh các điều kiện theo quy định hiện hành, nhà thầu còn phải: chưa từng bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu bởi bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào; và chưa từng bị bất kỳ chủ đầu tư/bên mời thầu hoặc bất kỳ cơ quan tổ chức nào ra quyết định xử phạt, kết luận có hành vi gian lận, vi phạm các quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu.

Trước đó trong tháng 11, Gói thầu số 08 thuộc Dự án thành phần đoạn 2 (từ Đường số 9 đến Hương lộ 19) thuộc Dự án Đường 25C giai đoạn 1 (đoạn từ Hương lộ 19 đến Đường 319), huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng liên tục bị nhà thầu có văn bản đề nghị điều chỉnh hàng loạt tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó có tiêu chí: “nhà thầu được đánh giá là đạt khi không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu”.

Theo các nhà thầu, pháp luật đấu thầu không có quy định khi bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị vi phạm tại một cơ quan/tổ chức ở địa phương này thì không được tham gia đấu thầu ở địa phương khác. Do đó, các nhà thầu cho rằng những quy định tương tự như trên là rất hà khắc, không phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu.

Theo quan sát của phóng viên, các “biến tướng” trong đánh giá uy tín nhà thầu cũng xuất hiện khá phổ biến tại các gói thầu phi tư vấn thuộc lĩnh vực y tế trong thời gian gần đây. Đơn cử tại Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh kiểm soát nhiễm khuẩn năm 2024 tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), HSMT đánh giá uy tín nhà thầu thông qua tiêu chí “nhà thầu đã được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường xác nhận chất lượng dịch vụ thực hiện trong bệnh viện (quy mô > 600 giường bệnh) đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế”. Quy định này được cho là làm khó nhà thầu, bởi không cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nào có thể xác nhận “chất lượng dịch vụ mà nhà thầu thực hiện trong môi trường bệnh viện”.

Cá biệt, có những HSMT còn “nhập nhằng” tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu với tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm, trong đó có thể kể đến Gói thầu Tư vấn giám sát thi công các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 7, TP.HCM áp dụng thang điểm đánh giá uy tín nhà thầu thông qua số lượng các hợp đồng tư vấn giám sát mà nhà thầu đã thực hiện hoàn thành.

Ngoài ra, yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ thuế; nghĩa vụ bảo hiểm xã hội đôi khi cũng được các chủ đầu tư/bên mời thầu thêm vào HSMT nhằm mục đích đánh giá điểm kỹ thuật (uy tín) của nhà thầu, làm phát sinh nhiều kiến nghị.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu ví von, nếu năng lực và kinh nghiệm được coi là “sức khỏe” của nhà thầu, thì uy tín có thể xem như “đạo đức”. Như vậy, sẽ phù hợp hơn nếu dùng uy tín để đánh giá điểm ưu tiên, điểm thưởng cho nhà thầu tuân thủ pháp luật. Các bên mời thầu nên sử dụng phương pháp chấm điểm để đánh giá tiêu chí này, thay vì phương pháp đạt/không đạt hoặc quy định mức điểm tối thiểu có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Cũng theo vị chuyên gia, đối với uy tín của nhà thầu, pháp luật hiện hành chỉ yêu cầu đề xuất cam kết về việc tất cả các dự án được mời vào thương thảo và ký hợp đồng, có quyết định trúng thầu đều tiến hành hoàn thiện và ký hợp đồng; cam kết thực hiện các hợp đồng tương tự đúng tiến độ, không bỏ dở do lỗi của nhà thầu, mà không yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh hay xác nhận từ bên thứ ba; và nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết này. Do đó, việc chủ đầu tư, bên mời thầu thêm vào HSMT bất kỳ điều kiện nào không được pháp luật đề cập đều được coi là hạn chế cạnh tranh.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu tại địa phương, năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về đấu thầu, trong đó chỉ ra việc một số HSMT đưa ra tiêu chí đánh giá về kỹ thuật trong mục uy tín của nhà thầu không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu. Theo đó, Sở khuyến nghị khi xây dựng HSMT, bên mời thầu cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, không chỉnh sửa các tiêu chí nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục