Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Quy định là vậy, song việc hiểu và vận dụng nguyên tắc làm rõ HSDT, đặc biệt đối với đề xuất về kỹ thuật tại mỗi chủ đầu tư, bên mời thầu lại không nhất quán, từ đó phát sinh không ít kiến nghị.
Ngày 9/12/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp quyết định phê duyệt Công ty TNHH Tuấn Anh trúng Gói thầu số 04 Thi công thuộc Dự án Cải tạo, sửa chữa Trường THPT Nguyễn Du. Sau khi kết quả này được công bố, Công ty CP Thương mại xây dựng Trí Tiến (nhà thầu xếp hạng 2) có đơn kiến nghị.
Theo Trí Tiến, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại HSMT quy định: “Nhà thầu có thuyết minh và hình vẽ hoặc hình ảnh minh họa đầy đủ về biện pháp tổ chức thi công toàn bộ công tác xây lắp theo khối lượng mời thầu, đánh giá đạt. Không có thuyết minh/không có hình vẽ/hình ảnh minh họa; hoặc có, nhưng phần thuyết minh và phần hình vẽ/hình ảnh minh họa không đầy đủ toàn bộ công tác xây lắp theo khối lượng mời thầu như đã nêu, đánh giá không đạt”. Quy định tại HSMT là rất rõ ràng, nhưng khi đánh giá HSDT của Công ty TNHH Tuấn Anh, Bên mời thầu đã cho phép nhà thầu này bổ sung bản vẽ biện pháp thi công công tác hàng rào và nạo vét thoát nước, là không đúng quy định của HSMT, không phù hợp với nguyên tắc làm rõ HSDT tại Điều 28 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Trong khi đó, Chủ đầu tư cho rằng, sai sót trong HSDT của Công ty TNHH Tuấn Anh là không nghiêm trọng, Tổ chuyên gia có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp các thông tin hoặc tài liệu cần thiết trong thời hạn hợp lý để sửa chữa những điểm chưa phù hợp hoặc sai sót không nghiêm trọng trong HSDT liên quan đến các yêu cầu về tài liệu, miễn rằng việc khắc phục các sai sót này không liên quan đến bất kỳ yếu tố nào của giá dự thầu. Bên mời thầu khẳng định việc cho phép Công ty TNHH Tuấn Anh bổ sung tài liệu biện pháp thi công là phù hợp với quy định.
Trên đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp bên mời thầu, tổ chuyên gia lạm dụng nguyên tắc làm rõ đề xuất về kỹ thuật trong HSDT, dẫn đến phản ứng của nhà thầu bị ảnh hưởng về quyền và lợi ích hợp pháp.
Trước đó vào tháng 7/2024, Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Trường THCS Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình phát sinh kiến nghị tương tự. Trong đơn kiến nghị, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hải Hoàng Linh chỉ ra rằng, nhiều kết luận đánh giá của Tổ chuyên gia mang tính chủ quan, phiến diện, chưa tuân thủ nguyên tắc công bằng, khách quan trong lựa chọn nhà thầu khi cho phép Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại Đức Thịnh bổ sung những file đính kèm không có nội dung; hay chỉnh sửa tổng mặt bằng thi công...
Đáng chú ý, Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Sửa chữa cầu Non Nước Km135+905 Quốc lộ 10, tỉnh Ninh Bình do Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1 (thuộc Cục Đường bộ Việt Nam) “dính” kiến nghị đến hàng năm trời chỉ vì nhà thầu cho rằng, Tổ chuyên gia vận dụng sai nguyên tắc làm rõ HSDT. Theo kiến nghị của Công ty CP SBTECH, trong quá trình đánh giá, nhận thấy HSDT của Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tín Thịnh - Công ty CP CK4 Thăng Long có thuyết minh về tổ chức mặt bằng công trường, bố trí lán trại, phòng thí nghiệm, kho bãi vật liệu, chất thải, rào chắn, biển báo, công tác cấp nguồn điện, nước... nhưng chưa có bản vẽ thể hiện, Tổ chuyên gia đã gửi văn bản đề nghị Liên danh bổ sung 15 bản vẽ minh họa để làm rõ thuyết minh biện pháp thi công. Trong khi đó, HSMT quy định, nhà thầu bị đánh giá không đạt trong trường hợp không có bản vẽ đính kèm thể hiện mặt bằng bố trí công trường phù hợp với tổ chức thi công gói thầu. Theo SBTECH, sai sót của Liên danh Tín Thịnh - CK4 Thăng Long không thuộc trường hợp được làm rõ HSDT. Việc Bên mời thầu cho phép bổ sung tài liệu kỹ thuật đã làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT, thay đổi cục diện cuộc thầu.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu cho biết, pháp luật đấu thầu không quy định khái niệm thế nào là làm rõ HSDT, mà chỉ xây dựng nguyên tắc làm rõ HSDT tại Điều 28 Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Trong đó, khoản 3 Điều này quy định, “đối với các nội dung về tính hợp lệ của HSDT (trừ nội dung về tư cách hợp lệ), đề xuất về kỹ thuật, tài chính, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp, không thay đổi giá dự thầu”. Việc làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp được hiểu là chấp nhận các khác biệt so với yêu cầu nêu trong HSMT; chấp nhận bỏ sót nội dung cơ bản (là việc nhà thầu không cung cấp được một phần hoặc toàn bộ thông tin hay tài liệu theo yêu cầu nêu trong HSMT), các nội dung này nếu được sửa lại thì sẽ gây ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh của nhà thầu khác.
Làm rõ HSDT là một khâu quan trọng trong quá trình đánh giá HSDT nhằm bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Theo đó, chuyên gia đấu thầu khuyến nghị, bên mời thầu cần công tâm, khách quan khi thực thi quyền yêu cầu nhà thầu làm rõ HSDT nhằm bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho cuộc thầu.