Đấu thầu tại Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM: Truyền thông VNC “ngã ngửa” vì bị quy kết gian lận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện đánh giá nhà thầu gian lận tại 2 gói thầu do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM làm chủ đầu tư liên quan đến một nhà thầu trong lĩnh vực tổ chức sự kiện đã dẫn tới nhiều văn bản kiến nghị. Điều đáng nói là nhà thầu không nhận được văn bản công bố nội dung vi phạm này trong thời gian dài và chỉ biết về kết luận gian lận khi bị loại tại gói thầu khác.
Nhà thầu cho biết không nhận được văn bản công bố vi phạm tại 2 gói thầu phục vụ lễ hội năm 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa: Phúc Minh
Nhà thầu cho biết không nhận được văn bản công bố vi phạm tại 2 gói thầu phục vụ lễ hội năm 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa: Phúc Minh

Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận văn bản của Công ty CP Truyền thông VNC liên quan đến việc bị đánh giá gian lận trong báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) khi dự thầu tại Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.

Theo VNC, năm 2022, nhà thầu này tham gia 2 gói thầu do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư C.N.D làm bên mời thầu (BMT). Cụ thể, tại Gói thầu hạng mục 2 Thuê lắp dựng hệ thống âm thanh phục vụ lễ hội (TP.HCM - Ngôi nhà của chúng ta năm 2022 và Liên hoan nhạc kèn TP.HCM lần thứ nhất năm 2022), VNC có giá dự thầu là 1,45 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hồng Vân có giá dự thầu 1,557 tỷ đồng (giá gói thầu 1,56 tỷ đồng). Tại Gói thầu hạng mục số 3 Thuê lắp dựng hệ thống ánh sáng phục vụ lễ hội “TP.HCM - Ngôi nhà của chúng ta năm 2022 và Liên hoan nhạc kèn TP.HCM lần thứ nhất năm 2022”, VNC có giá dự thầu là 1,26 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ quảng cáo Phúc Thịnh có giá dự thầu 1,438 tỷ đồng.

Theo VNC, trong quá trình đánh giá HSDT, BMT yêu cầu Nhà thầu làm rõ 2 nhân sự (đạo diễn âm thanh và đạo diễn ánh sáng) do 2 nhà thầu đề xuất trùng nhân sự. “Chúng tôi đã có văn bản trả lời, 2 nhân sự Nhà thầu đề xuất vì điều kiện không phù hợp nên đã từ chối không tham gia gói thầu này. Do đó, Nhà thầu đề xuất thay đổi nhân sự khác tương đương hoặc cao hơn yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên, BMT không chấp nhận”, VNC cho biết.

Trong báo cáo đánh giá HSDT tại cả 2 gói thầu trên, VNC bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Khi Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM mời thầu Gói thầu Hạng mục số 4 Thuê lắp dựng hệ thống sân khấu, cảnh trí sân khấu, Led Matrix, hệ thống layer truss phục vụ Chương trình kỷ niệm 325 năm thành lập TP. Sài Gòn - TP.HCM (1698 - 2023)…, VNC “ngã ngửa” với nội dung báo cáo đánh giá HSDT của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư C.N.D.

“Báo cáo này cho biết, VNC không đáp ứng yêu cầu của HSMT do Nhà thầu đã làm giả hồ sơ khi tham dự 2 gói thầu trong năm 2022 nêu trên. Đơn vị tư vấn căn cứ vào Văn bản số 5637a/SVHTT ngày 1/12/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM kết luận về việc VNC gian lận khi tham gia đấu thầu. Vấn đề đặt ra là trong báo cáo đánh giá của cả 3 gói thầu trên, BMT không đính kèm văn bản của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM để chứng minh cơ sở áp dụng. Đến thời điểm hiện tại, VNC chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Chủ đầu tư kết luận Nhà thầu gian lận. Nội dung này cũng không được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để Nhà thầu có cơ sở khiếu nại, phản đối”, VNC phản ánh.

Cũng theo VNC, đối với các gói thầu thuộc lĩnh vực tổ chức sự kiện, khi huy động nhân sự, thông thường nhân sự và nhà thầu thỏa thuận trước, khi trúng thầu sẽ ký hợp đồng để cùng triển khai. Trường hợp này, khi dự thầu hoàn toàn bình thường, nhưng đến thời điểm BMT yêu cầu làm rõ, Nhà thầu không nhận được sự hợp tác của nhân sự dự kiến nên mới đề xuất thay thế. Theo VNC, “việc kết luận như vậy ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhà thầu”.

Ngày 19/12/2024, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, sẽ xác minh văn bản kết luận nhà thầu gian lận mà VNC đề cập. Với Công ty TNHH Tư vấn C.N.D, phóng viên Báo Đấu thầu đã nhiều lần liên hệ nhưng không nhận được phản hồi.

Một chuyên gia đấu thầu cho biết, việc xác định nhà thầu gian lận cần xác minh, làm rõ và tiếp nhận toàn bộ các tài liệu, giải trình của nhà thầu để có hướng xử lý phù hợp vì ảnh hưởng lớn đến uy tín, quá trình kinh doanh của nhà thầu. Về nguyên tắc, nhà thầu có quyền thuê nhân sự, thiết bị đáp ứng yêu cầu theo từng gói thầu. Quá trình dự thầu, trong thời gian đánh giá HSDT, nếu có bất kỳ phát sinh bất khả kháng nào (trùng lặp, thay đổi), nhà thầu có quyền đề xuất thay thế. Trong trường hợp xác định được hành vi gian lận của nhà thầu, cần công bố ngay cho nhà thầu cũng như cơ quan có trách nhiệm thông tin về nhà thầu vi phạm. Nhà thầu có quyền được biết vi phạm của mình để rút kinh nghiệm hoặc phản đối, thậm chí khởi kiện các văn bản kết luận vi phạm này. Như vậy mới đảm bảo tính khách quan, minh bạch của công tác đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục