Quyết định này được coi là một thắng lợi với các hãng thép Mỹ. Năm 2015 và 2016, họ đã thành công trong việc khiến thép Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Tuy nhiên, thép ngoại vẫn tràn vào nước này từ các nơi khác. Các hãng thép Mỹ khẳng định sản phẩm Trung Quốc đã được chuyển hướng sang nước thứ 3 để lách thuế.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp mức thuế tương tự với thép không gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam, nhưng có nguồn gốc từ thép cán nóng Trung Quốc. Dù chúng được gia công thêm tại Việt Nam để chống gỉ, hoặc cán nguội để sử dụng trong ôtô và các thiết bị khác, Bộ Thương mại Mỹ đồng ý với nhận định của các hãng sản xuất trong nước, rằng 90% giá trị số thép này là đến từ Trung Quốc.
Thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thuế sơ bộ tổng cộng từ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp lên tới 531%. Trong khi đó, thuế dành cho thép không gỉ là 238%. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 16/2.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết sau khi thuế chống bán phá giá được áp lên thép Trung Quốc năm 2015, sản phẩm thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng từ 295 triệu USD lên 11 triệu USD hàng năm. Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng kết luận thép từ Việt Nam vào thị trường này là lách thuế.
Ngành thép toàn cầu đang vật lộn với dư thừa công suất, chủ yếu từ Trung Quốc, khiến giá thép giảm mạnh. Một diễn đàn của các nước G20 tuần trước cũng thất bại trong việc tìm ra giải pháp, do sự bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington.
Ngành thép Mỹ đang đợi khuyến nghị của Bộ Thương mại Mỹ, về việc liệu thép nhập khẩu có đe dọa an ninh quốc gia hay không, để áp thêm biện pháp hạn chế nhập khẩu quy mô lớn.