Mỹ: Nhập khẩu cao kỷ lục gây áp lực thâm hụt thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Reuters, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh trong tháng 12/2024 khi nhập khẩu nhảy vọt lên mức cao kỷ lục, trong bối cảnh các mối đe dọa thuế quan có thể đã thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh mua hàng hóa do nước ngoài sản xuất như kim loại thành phẩm và máy tính.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt với thâm hụt đáng kể với một số đối tác thương mại, bao gồm Trung Quốc, Mexico và Canada - những quốc gia đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm mục tiêu áp dụng thuế quan trên diện rộng hoặc bổ sung.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm hoãn 1 tháng việc áp thuế quan 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada.

Một mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc đã có hiệu lực vào thứ Ba. Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thích rằng các biện pháp thuế quan này liên quan đến việc kiểm soát nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy, sự gia tăng thâm hụt thương mại có thể được sử dụng để biện minh cho chính sách thương mại bảo hộ của họ.

Các chuyên gia kinh tế, như Thomas Ryan từ Capital Economics, cho rằng việc nhập khẩu tăng mạnh là do các doanh nghiệp muốn tránh các mức thuế tiềm năng. Xu hướng này có thể tiếp tục trong thời gian tới, đặc biệt là khi có nguy cơ áp dụng thuế quan 25% đối với Mexico và Canada vào tháng tới.

Theo Cục Phân tích kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng 24,7% lên 98,4 tỷ USD trong tháng 12/2024, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Con số này vượt xa so với mức thâm hụt 78,9 tỷ USD đã được điều chỉnh trong tháng 11/2024.

Đây là mức thâm hụt lớn thứ hai từng được ghi nhận và là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2015. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự đoán, thâm hụt thương mại sẽ tăng lên 96,6 tỷ USD từ mức 78,2 tỷ USD được báo cáo trước đó trong tháng 11/2024. Tính chung cả năm 2024, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 17%, lên 918,4 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2021.

Trong tháng 12/2024, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ tăng 3,5% lên mức cao kỷ lục 364,9 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa tăng 4%, đạt 293,1 tỷ USD, chủ yếu do sự gia tăng 10,8 tỷ USD trong nhóm hàng vật tư và nguyên liệu công nghiệp, đặc biệt là sự tăng vọt 9,2 tỷ USD ở nhóm kim loại thành phẩm, chủ yếu đến từ Thụy Sĩ.

Sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu đã làm dấy lên nghi ngờ trong giới chuyên gia về việc liệu các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu trước để tránh thuế quan có phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến gia tăng thâm hụt thương mại hay không.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ giảm 2,6% trong tháng 12/2024, đạt 266,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020, giảm 4,2% xuống 170,2 tỷ USD, chủ yếu do hàng tiêu dùng giảm 1,8 tỷ USD.

Xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp, bao gồm dầu mỏ, giảm 1,8 tỷ USD. Xuất khẩu ô tô, phụ tùng và động cơ giảm 0,9 tỷ USD.

Kết quả là, thâm hụt thương mại hàng hóa tăng vọt 18,2% lên mức kỷ lục 123 tỷ USD. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa là 111,9 tỷ USD, tăng 15,4%.

Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa với Canada tăng 2,9 tỷ USD lên 7,9 tỷ USD trong tháng 12. Mặc dù thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng 12, nhưng tính chung cả năm 2024, thâm hụt với Trung Quốc đã tăng lên 295,4 tỷ USD so với 279,1 tỷ USD vào năm 2023. Thâm hụt với Mexico giảm từ 15,4 tỷ USD trong tháng 11/2024 xuống 15,2 tỷ USD.

Ở lĩnh vực dịch vụ, nhập khẩu tăng 1 tỷ USD lên mức kỷ lục 71,8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu cũng đạt mức cao kỷ lục 96,3 tỷ USD, tăng 0,4 tỷ USD.

Dữ liệu tháng 12 nhìn chung phù hợp với các giả định của BEA trong ước tính GDP sơ bộ cho quý IV/2024, cho thấy thương mại có tác động trung lập đến GDP sau 3 quý liên tiếp là yếu tố kéo lùi tăng trưởng.

"Hiện tại có rất ít rủi ro về một sự điều chỉnh lớn đối với tốc độ tăng trưởng", Chuyên gia kinh tế Thomas Ryan từ Capital Economics nhận định.

Tin cùng chuyên mục