Năm 2017 là một năm đầy sóng gió với nhiều chaebol Hàn Quốc

Hai tập đoàn gia đình trị lớn nhất Hàn Quốc là Samsung và Hyundai vừa trải qua năm 2017 đầy sóng gió, với những thách thức chưa từng thấy trước đây, từ đó phủ mây đen lên triển vọng kinh tế trong dài hạn của quốc gia này.
Biểu tượng Samsung tại văn phòng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 31/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Samsung tại văn phòng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 31/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn Samsung Group nhìn bề ngoài có vẻ vừa ghi nhận một trong những năm có màn trình diễn ấn tượng nhất nhờ sự bùng nổ trong ngành sản xuất chip.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Samsung Electronics Co. lên đến 14.530 tỷ won (khoảng 13,3 tỷ USD) trong quý 3 vừa qua, tăng mạnh so với mức 5.200 tỷ won cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các công ty của Tập đoàn Samsung lại phải chịu một cuộc khủng hoảng quản trị khi Phó Chủ tịch Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong, bị bắt từ tháng Hai vừa qua do được cho là có liên quan đến vụ bê bối chính trị đã khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye bị kết án.

Ngay sau khi ông Lee bị bắt giữ, Samsung đã "khai tử" Văn phòng Chiến lược Tương lai, đơn vị hoạt động như cơ quan điều hành các công ty của tập đoàn này, trước những chỉ trích ngày càng gia tăng đối với Samsung khi bị cho là có mối liên hệ ngầm với chính phủ.

Dù quyết định này được cho là bước đi nhằm nâng cao tính minh bạch của Samsung, nhiều người vẫn tỏ ra quan ngại về những chiến lược kinh doanh dài hạn của “ông lớn” này.

Các nhà quan sát trong ngành cho biết Samsung Electronics đã không thực hiện một dự án mua bán và sáp nhập lớn nào sau khi công bố đã thâu tóm Công ty Harman International Industries Inc. hồi năm ngoái.

Sự “ì ạch” này của Samsung trong việc tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới được cho là một mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động kinh doanh trong dài hạn của tập đoàn này.

Trong khi đó, Tập đoàn Hyundai Motor Group cũng vừa có một cuộc hành trình đầy gian nan trong năm nay, khi trở thành một mục tiêu chính trong chính sách cải cách các tập đoàn gia đình trị mà chính phủ mới của Hàn Quốc đề ra.

Mẫu xe Kia Niro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn Hyundai đang vận hành một trong những hệ thống sở hữu chéo cổ phần phức tạp nhất, cho phép chủ tịch Chung Mong-koo và con trai là ông Chung Eui-sun kiểm soát toàn bộ tập đoàn dù chỉ nắm trong tay lần lượt 5,17% và 2,28% cổ phần của Hyundai Motor Co.

Bên cạnh đó, căng thẳng ngoại giao giữa Seoul và Bắc Kinh liên quan đến việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giao đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này cũng gây ảnh hưởng đến Hyundai khi Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp trả đũa kinh tế đối với các công ty Hàn Quốc.

Theo đó, lượng ôtô xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Hyundai đã sụt giảm mạnh trong năm nay.

Không chỉ vậy, phán quyết gần đây của toà án đối với Kia Motors Corp - một trong những công ty trụ cột của Hyundai, về vấn đề lương nhân viên đã giáng thêm một đòn nữa vào tập đoàn này.

Tòa án quận trung tâm Seoul hồi tháng Tám đã ra phán quyết rằng các khoản thưởng cố định và trợ cấp bữa ăn nằm trong các khoản lương bình thường của nhân viên.

Theo đó, Kia đã "mất" gần 1.000 tỷ won chi phí một lần trong lợi nhuận quý 3 vừa qua./.

Tin cùng chuyên mục