Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa đồng đều, khi một số lĩnh vực dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng bởi cú sốc Covid-19. Ảnh: Lê Tiên |
Bài toán phục hồi với rủi ro tiềm ẩn
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam diễn ra mạnh mẽ nhưng còn chưa đồng đều, khi một số lĩnh vực dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc Covid-19.
WB nhận định, mặc dù chuyển sang chính sách tài khóa trung lập hơn là bước đi đúng đắn khi nền kinh tế phục hồi, nhưng quá trình phục hồi có thể gặp phải những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực của nền kinh tế. Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tiếp tục các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng vẫn tiếp diễn và nền kinh tế không phục hồi nhanh như dự kiến. “Trong thời gian tới, vấn đề công bằng cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam. Cần có thêm biện pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ở những lĩnh vực như du lịch, vì họ có thể bị bỏ lại phía sau trong quá trình khôi phục kinh tế sau cú sốc Covid-19”, WB nhấn mạnh.
WB cũng nhắc lại lưu ý, trong điều kiện tác động của khủng hoảng đến doanh nghiệp còn kéo dài, khu vực tài chính cần được theo dõi chặt chẽ.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, những chính sách kích thích tăng trưởng chỉ có thể sử dụng trong phạm vi hữu hạn. Tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào tín dụng, tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức cao so với các nước ASEAN, làm cho không gian chính sách hạn hẹp, nguồn lực trong dân chảy vào lĩnh vực phi sản xuất, không huy động được nguồn lực tiết kiệm trong dân để đầu tư.
Bài toán bứt phá để đạt mục tiêu dài hạn
“3 đột phá chiến lược 10 năm qua chưa thực hiện đạt kết quả như đặt ra, 10 năm tới bên cạnh tiếp tục 3 đột phá này còn kỳ vọng đạt được nhiều mục tiêu lớn vào năm 2030, 2045. Vì thế, nếu không thay đổi rất mạnh mẽ, quyết liệt thì không thể đạt được mục tiêu”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói tại một cuộc hội thảo gần đây của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế lớn, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Thách thức với nền kinh tế còn rất lớn, bao gồm sức ép đuổi kịp và bắt nhịp với phát triển kinh tế toàn cầu; vượt lên nguy cơ tụt hậu trong Cách mạng công nghiệp 4.0; giải phóng tiềm lực bị hạn chế bởi hệ thống hạ tầng và vốn con người; mối đe dọa toàn cầu về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, cần tạo động lực mới, làm theo cách mới. Động lực mới phải là nội lực của Việt Nam, đến từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Khu vực kinh tế tư nhân, dù đã được xác định là động lực quan trọng, nhưng nhìn lại năm 2020, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và đầu tư công, chưa thấy nhiều bóng dáng của khu vực tư nhân. Trong khi đó, phải phát triển khu vực tư nhân mới vượt lên được, vì thúc đẩy đầu tư công cũng có rủi ro khi chưa cải thiện được hiệu quả.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, lúc này cần quyết tâm cải cách thể chế, tận dụng cơ hội từ khủng hoảng để bỏ cái cũ, giúp cho nền kinh tế thay máu, vượt lên trạng thái phát triển mới. Vấn đề tăng trưởng bao nhiêu trong năm 2021 không quan trọng bằng việc thực sự cải cách, để tạo ra động lực cho năm 2022 và các năm sau bứt phá trên nền tảng thể chế mới.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cần phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong nền kinh tế có nhiều khu vực, cần thúc đẩy tất cả các khu vực kinh tế phát triển, tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Khu vực kinh tế tư nhân cần được quan tâm nhiều hơn. Khu vực kinh tế nhà nước nắm giữ lượng tài sản rất lớn, đòi hỏi phải đổi mới để khu vực này phát triển hiệu quả hơn, qua đó dẫn dắt các khu vực khác phát triển. Đồng thời, tìm kiếm các động lực tăng trưởng từ các vùng, địa phương.