Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden, kinh tế Mỹ diễn biến ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
Dù chính quyền Biden có một danh sách dài các thành tích về kinh tế trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất 40 năm có thể "thổi bay" mọi thành tựu...
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021 - Ảnh: Forbes
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021 - Ảnh: Forbes

Ngày 20/1/2022 là vừa tròn một năm kể từ khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Chính quyền của ông có một danh sách dài các thước đo cho thấy kinh tế Mỹ đang trải qua sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19: tỷ lệ thất nghiệp thấp, mức lương cao, kỷ lục 6,4 triệu việc làm được tạo ra trong năm 2021.

Tuy nhiên, theo Forrbes, một thước đo có thể phá tan mọi thành tựu với con số 7% - tốc độ tăng lạm phát nhanh nhất của Mỹ trong 40 năm qua. Đây là “vũ khí” được Đảng Cộng hòa tận dụng tối đa trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ dự kiến diễn ra vào cuối năm nay để cạnh tranh với Đảng Dân chủ của ông Biden.

Sau một năm nắm quyền, tỷ lệ ủng hộ ông Biden đang có xu hướng giảm, trong khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức thấp nhất hơn một thập kỷ. Cùng nhìn lại các thước đo miêu tả rõ ràng nhất nền kinh tế Mỹ trong năm đầu tiên của chính quyền Biden.

Giá cả tăng có thể “thổi bay” mọi thành tựu kinh tế mà chính quyền của ông Biden làm được trong một năm qua. Lạm phát tăng 7% đã làm đảo lộn kế hoạch chi tiêu của chính quyền Biden. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin đã dùng lạm phát làm lý do để phản đối gói chi tiêu nội địa trị giá 2.000 tỷ USD mà ông Biden đề xuất. Dù lương tăng lên nhưng giá cả leo thang khiến nhiều người tiêu dùng Mỹ phải vật lộn để mua nhu yếu phẩm.

Lạm phát là nguyên nhân khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất trong năm nay từ mức gần như bằng 0. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Fed có thể tăng lãi suất 4 lần trong năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đã giảm xuống mức một con số gần với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trước thời điểm ông Biden nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 6,9%. Hiện tại, con số này là 3,9%.

Với khoảng 10 triệu cơ hội việc làm được tạo ra, vấn đề lớn nhất với các nhà tuyển dụng tại Mỹ là làn sóng nghỉ việc. Trong tháng 11/2021, 4,5 triệu người lao động Mỹ đã nghỉ việc, đưa tỷ lệ bỏ việc hàng tháng lên mức cao nhất mọi thời đại 3%. Vào đầu nhiệm kỳ của ông Biden, tỷ lệ này là 2,3%.

“Người ta đang nói về việc này như một tin xấu. Theo tôi đây là tin xấu với các nhà tuyển dụng. Tôi quan tâm hơn về việc người lao động cảm thấy rằng họ đủ khả năng để từ bỏ công việc mình không thích và tìm được công việc tốt hơn. Đây là điều tuyệt vời”, Dean Baker, người đồng sáng lập Trung Quốc Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, chia sẻ.

Kể từ ngày ông Biden nhậm chức, giá dầu thô đã tăng 62% lên mức 86 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá xăng tại Mỹ cũng tăng gần gấp đôi trong năm qua lên 3,3 USD/gallon. Trong khi đó, giá khí gas tự nhiên dùng để sưởi ấm của các hộ gia đình mùa đông năm nay cũng được dự báo tăng 30% so với năm trước.

Mức tăng trưởng GDP dự báo 5,6% năm 2021 - dự kiến được công bố chính thức vào tuần sau – sẽ là mức tăng trưởng năm cao nhất của Mỹ kể từ năm 1964. Tốc độ tăng trưởng như vũ bão của nền kinh tế lớn nhất đã chậm lại kể từ đầu năm 2021. Tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ ở mức hơn 6% trong hai quý đầu năm, nhưng giảm xuống chỉ còn 2% trong quý 3. Gói giải cứu kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được thông qua vào tháng 3/2021 dường như không mang lại kết quả như mong đợi của đảng Dân chủ.

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên đối thủ của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đã cảnh báo rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ nếu ông Biden đắc cử. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Trong năm đầu tiên dưới chính quyền Biden, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã tăng 19%.

Lạm phát gia tăng và lãi suất dự kiến tăng trong năm nay đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã vượt mức 1% trong tuần qua, tăng từ mức chỉ 0,13% thời điểm ông Biden nhậm chức. Còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng 31 điểm cơ bản trong tháng này, lên mức 1,83%.

Mức chênh lệnh không lớn giữa lợi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn thường là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ vượt mức 2% trong năm 2022.

Dù thị trường chứng khoán tăng trưởng bùng nổ và thị trường việc làm tăng trưởng mạnh, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.

Theo cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng hàng tháng của Đại học Michigan, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt 67,4 điểm trong năm 2021, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Mức điểm ghi nhận được vào đầu tháng 1/2022 là 68,8. Trong khi đó, con số này vào tháng 1/2020 – khi ông Biden nhậm chức – là 79 điểm và thậm chí tăng lên trong những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, lạm phát và sự bùng phát của các biến thể Covid-19 cho thấy đại dịch dường như không bao giờ chấm dứt đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Hertz, JCPenney và Chesapeake Energy nằm trong số 7.129 công ty Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm 2020 – mức cao nhất trong 8 năm kể từ khi đại dịch bùng phát và tàn phá nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tốc độ phá sản doanh nghiệp đã được kìm hãm trong năm 2021 khi nhiều doanh nghiệp nhỏ nhận được hỗ trợ từ các gói chi tiêu của chính phủ cũng như các chương trình xóa nợ khẩn cấp. Năm 2021, chỉ có 3.724 doanh nghiệp Mỹ phá sản, mức thấp nhất trong ít nhất 4 thập kỷ, theo dữ liệu từ Viện Phá sản Mỹ.

Tin cùng chuyên mục