Ảnh Internet |
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cùng với các khoản chi phí hoạt động khác đều có sự gia tăng đột biến, khiến cho lợi nhuận sau thuế trong quý I/2018 của Nam Kim chỉ đạt 121,12 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí hoạt động gia tăng mạnh
So với cùng kỳ năm 2017, doanh thu bán hàng quý I/2018 của Nam Kim tăng trưởng khá ấn tượng với 1.621 tỷ đồng từ thị trường nội địa và 1.969 tỷ đồng từ thị trường xuất khẩu tương đương với mức tăng trưởng lần lượt 20% và 80%. Còn lại là phần nhỏ doanh thu đến từ cung cấp dịch vụ. Mặc dù vậy, chi phí trực tiếp tính vào giá vốn hàng bán trong quý I/2018 lại gia tăng đáng kể khiến cho biên lợi nhuận gộp của Công ty sụt giảm từ mức 12,83% xuống chỉ còn hơn 8,26%.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí hoạt động khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay cũng đều gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 59,87%, chi phí lãi vay tăng 53,08 % và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 29,95%. Các khoản chi phí này đã bào mòn phân nửa lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính. Điều này khiến cho khá nhiều cổ đông của Nam Kim hoài nghi về khả năng tăng trưởng của Công ty.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, các khoản chi phí đồng loạt tăng lên là do việc Công ty sử dụng nguồn vốn vay nợ ngắn hạn để gia tăng tích trữ hàng tồn kho vào thời điểm cuối năm 2017. Số liệu thống kê cho thấy, cuối quý IV/2017, hàng tồn kho đã tăng gần gấp 2 lần, từ mức 2.032 tỷ đồng lên 4.090 tỷ đồng; nợ vay tài chính ngắn hạn cũng tăng từ 2.295 tỷ đồng lên 4.503 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/3/2018 lượng hàng tồn kho giảm xuống còn 3.187 tỷ đồng; nợ vay tài chính ngắn hạn còn 3.503 tỷ đồng. Mức sụt giảm gần tương đương với mức doanh thu thuần tăng lên trong quý I/2018. Có thể nói, việc sử dụng đòn bẩy tài chính tích trữ lại hàng tồn kho đã đem lại hiệu ứng ngược làm sụt giảm hiệu quả kinh doanh của Nam Kim trong kỳ.
Cổ đông bán tháo cổ phiếu
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Nam Kim diễn ra vào ngày 7/4/2018 đã thông qua kế hoạch tăng vốn “khủng” bằng hai hình thức. Chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 50%, trong đó đã tạm ứng 10% bằng tiền mặt và 40% còn lại được Công ty chi trả thông qua phát hành cổ phiếu thưởng. Bên cạnh đó, Nam Kim đã thông qua kế hoạch phát hành thêm 30 triệu cổ phần (tương đương 300 tỷ đồng) cho đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài. Mức giá phát hành và thời điểm sẽ được HĐQT Công ty quyết định. Vốn điều lệ của Nam Kim sau giai đoạn này sẽ tăng lên trên 2.100 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với năm 2015.
Không chỉ vậy, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 750 tỷ đồng, chi trả cổ tức với tỷ lệ 50% (nhiều khả năng sẽ là 10% bằng tiền và 40% bằng cổ phiếu).
Chính kế hoạch tăng vốn liên tục thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao và phát hành cho đối tác chiến lược đã khiến giới đầu tư cũng như cổ đông của Nam Kim lo ngại. Các động thái cắt lỗ, chốt lời liên tục diễn ra. Bà Trần Uyển Nhàn - thành viên HĐQT, vợ Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Quang - đã bán toàn bộ 9,1% cổ phần (tương đương 11.836.140 cổ phần) của Nam Kim khi cổ phiếu này đang ở vùng 35.000 - 36.000 đồng. Đối tác nhận chuyển nhượng nhiều khả năng là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư P&Q, một trong những công ty có liên quan đến ông Hồ Minh Quang.
Sau thương vụ chuyển nhượng này thị giá NKG đã sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 22.700 đồng/CP. Với kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý I/2018 kèm theo kế hoạch tăng vốn “khủng”, nhiều khả năng thị giá của NKG sẽ tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới.