Một số doanh nghiệp trong cộng đồng người yếu thế như Kym Việt, Vụn Art đang tiên phong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường và xanh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Những ngày đầu tháng 10, gói ghém trong hành trang đến Nhật Bản của ông chủ Công ty CP Kym Việt tham dự một sự kiện văn hóa là những con thú nhồi bông tinh xảo, mang đậm vẻ đẹp văn hóa Việt Nam được sản xuất bởi những người khuyết tật với mong ước về sự phát triển bền vững cho bản thân và cả doanh nghiệp của mình. Đằng đẵng những chuyến đi như vậy trong suốt 10 năm qua, sản phẩm của Kym Việt đã đến được với người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới.
Ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kym Việt cho biết, xanh hóa sản xuất luôn là mục tiêu Công ty hướng đến trong việc lựa chọn chất liệu và xây dựng quy trình sản xuất các sản phẩm. Đó là các sản phẩm làm bằng vải cotton, vải thổ cẩm được dệt nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên và nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Với quy trình và chất liệu như vậy, các sản phẩm của Kym Việt thường có giá thành khá cao nên “kén” khách hàng.
“Chọn sản phẩm thân thiện môi trường hiện là xu hướng của nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Tuy nhiên, với nhóm khách hàng chưa lớn, việc theo đuổi chiến lược sản xuất xanh là thách thức rất lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp siêu nhỏ của cộng đồng người yếu thế”, ông Hoài chia sẻ.
Để “nuôi” chiến lược sản xuất xanh, Kym Việt xác định sản phẩm có nguyên liệu thân thiện môi trường là giá trị cốt lõi, đồng thời phát triển các sản phẩm thương mại có giá thành thấp hơn để tiếp cận đông đảo người tiêu dùng. Đến nay, thị trường đã dần có những tín hiệu tích cực, nhiều sản phẩm thân thiện môi trường với giá thành tương đối cao của Kym Việt đã có vùng khách hàng thân thuộc và tiếp tục mở rộng sang nhiều thị trường khác.
Tuy nhiên, do hạn chế về vốn, nhân sự và quy mô, các nỗ lực phát triển của Kym Việt gặp rất nhiều khó khăn. “Hoạt động của Kym Việt rất có ý nghĩa cho cộng đồng người yếu thế và thuộc nhóm doanh nghiệp cần được hỗ trợ, song khi muốn vay vốn, các ngân hàng và quỹ hỗ trợ đều yêu cầu tài sản thế chấp. Công ty muốn có mặt bằng sản xuất nhưng hầu như đều nhận được những cái “lắc đầu”. Cần có các giải pháp cụ thể hơn để giúp đỡ các doanh nghiệp như chúng tôi. Chẳng hạn, cần một đơn vị trung gian thực hiện thẩm định dự án kinh doanh để chúng tôi có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, hoặc dành một phần quỹ đất dư thừa cho doanh nghiệp thuê với giá thấp và ổn định lâu dài. Chúng tôi đã loay hoay suốt 10 năm nay, tìm mọi cách để được hỗ trợ phát triển vì lợi ích chung, nhưng dường như bế tắc”, ông Hoài nói.
Không chỉ Kym Việt, trong cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và yếu thế, nhiều chủ thể cũng đang loay hoay với nỗ lực sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường và xanh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Vụn Art là hợp tác xã sản xuất các sản phẩm thủ công của 30 người khuyết tật đang nỗ lực vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.
Từ những mảnh vải vụn của các xưởng may, người thợ khuyết tật đã làm nên những chiếc túi thủ công đa dạng mẫu mã, khác biệt và độc đáo. Đó là đóng góp nhỏ của cộng đồng người yếu thế trong việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển xanh và bền vững.
Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art cho biết, bên cạnh việc tái chế vải vụn để làm các sản phẩm thủ công, Vụn Art còn thực hiện nhiều công đoạn sản xuất theo hướng giảm phế liệu khó tiêu hủy ra môi trường, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng vải vụn tái chế khiến giá thành sản phẩm cao hơn đáng kể so với việc sản xuất từ vải mới do chi phí nhân công cao, việc sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường cũng khiến chi phí tăng cao so với các chất liệu khác. Đây là điều mà Vụn Art cũng như các doanh nghiệp xã hội luôn phải tính toán, tìm cách vượt qua để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh theo mục tiêu phát triển xanh và bền vững đặt ra từ đầu.
“Việc sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường là rất thách thức. Trước hết, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng khá nhỏ, lượng khách hàng không đều nên doanh thu không ổn định. Đặc biệt, trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chỉ tính đến việc sử dụng các sản phẩm có giá rẻ nhất chứ không màng đến sản phẩm thân thiện môi trường”, ông Cường chia sẻ.
Không chỉ khó về dung lượng thị trường, theo ông Cường, các doanh nghiệp yếu thế có quy mô nhỏ, nguồn nhân lực chủ yếu là người khuyết tật nên việc thực hiện các kế hoạch quảng bá chủ yếu dựa vào sự lan tỏa từ các cá nhân, bạn bè. Cách làm như vậy chưa thực sự bền vững. Sản phẩm chưa đến được với người tiêu dùng như một sản phẩm thị trường mà chủ yếu người tiêu dùng mua sản phẩm với câu chuyện của những người làm nên sản phẩm.
Do đó, rất cần các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện chiến lược hỗ trợ đồng bộ cho các doanh nghiệp yếu thế hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Theo đó, cần có các chính sách cụ thể, chẳng hạn, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với tăng trưởng xanh thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thậm chí trợ giá để giảm giá sản phẩm, tạo thuận lợi tiếp cận người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận (chẳng hạn, lợi nhuận của Vụn Art được sử dụng để đào tạo người yếu thế) thì cần được giảm thuế nhiều hơn.
Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và yếu thế trong nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, TS. Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) cho biết, việc thực hiện chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng xanh hóa với các doanh nghiệp lớn đã rất khó thì với các doanh nghiệp vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và yếu thế, càng khó gấp bội.
Hiện nay, nhiều khách hàng của các thị trường châu Âu yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, gồm tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh trong quy trình sản xuất, quy trình xử lý chất thải và nước thải đảm bảo yêu cầu về thân thiện môi trường. Đây là những yêu cầu vượt tầm với của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Do đó, theo ông Mạc Quốc Anh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp của cộng đồng người yếu thế cần được hỗ trợ tối đa về nhiều mặt khi hướng tới quy trình xanh hóa. Trước hết, cần có cơ chế ưu đãi thuế, phí mạnh mẽ hơn để các sản phẩm của doanh nghiệp có tính thị trường và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Mặt khác, có thể tính đến việc lập khu quy hoạch dành riêng cho các doanh nghiệp có quy trình sản xuất xanh hoạt động và được ưu đãi về giá thuê mặt bằng, thậm chí miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp yếu thế để họ thêm động lực phát triển sản xuất kinh doanh thuận xu hướng thời cuộc.