Ảnh minh hoạ: Internet |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các biện pháp hỗ trợ đầu tư đang được thiết kế theo hướng vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa tạo tác động tích cực lan toả và dài hạn cho kinh tế - xã hội Việt Nam trước thách thức tăng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo đó, Dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa lên đến 50% đối với chi phí doanh nghiệp thực tế đã chi trong năm cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; 50% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D); 40% chi phí đầu tư tài sản cố định (gồm cả động sản và bất động sản, vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp); 50% chi phí đầu tư hạ tầng xã hội (gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư)...
Đánh giá cao các biện pháp hỗ trợ tại Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để tạo tác động tích cực lan toả trong nền kinh tế, cần nâng thêm mức hỗ trợ chi phí đối với một số hoạt động của doanh nghiệp.
Cụ thể, cần nâng mức hỗ trợ chi phí cho hoạt động R&D từ 50% lên mức cao hơn, như 75% trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D, như một trường đại học, viện nghiên cứu. Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan toả đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Đồng thời, bổ sung thêm tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam thực hiện hoạt động R&D tại các doanh nghiệp này.
Đối hoạt động đầu tư tài sản cố định, VCCI đề nghị, phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị). “Chính sách như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác”, VCCI nhận định.
Đối với hoạt động đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ như: bổ sung nhà ở dành cho công nhân, người lao động vào diện các công trình được hỗ trợ; sung một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải…; hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này, ngoài chi phí đầu tư ban đầu. Bởi, theo VCCI, đây là hình thức hỗ trợ không chỉ có lợi cho dự án đầu tư mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh dự án.
Ảnh minh họa: Internet |
Bên cạnh đó, đại diện cộng đồng doanh nghiệp còn đề nghị bổ sung hỗ trợ chi phí cho một số hoạt động như: đầu tư chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn (chi phí lắp đặt và vận hành điện mặt trời mái nhà, các trụ điện gió; chi phí lắp đặt và vận hành các công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiệt lượng, các biện pháp ngăn bụi, tiếng ồn…; chi phí chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang loại thân thiện với môi trường); mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ, cải tạo phục hồi môi trường, an sinh xã hội cho người lao động… Trong đó, theo VCCI, vấn đề sản xuất xanh, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm; đồng thời phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Để những chính sách này mang tính khả thi, VCCI cho rằng, Dự thảo Nghị định cần xác định rõ hơn về điều kiện để được hưởng hỗ trợ, hoặc giới hạn một số hành vi vi phạm pháp luật về hỗ trợ đầu tư hoặc các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong một số lĩnh vực cụ thể sẽ bị từ chối hỗ trợ, thay vì quy định chung chung là “Doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đất đai và các quy định khác của pháp luật”. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì mới được hỗ trợ thì sẽ là điều bất khả thi. Thực tế, nhiều vi phạm của doanh nghiệp rất nhỏ và không liên quan đến việc được hỗ trợ. Lấy ví dụ như trường doanh nghiệp chậm làm thủ tục đăng ký khuyến mại tại một tỉnh nào đó, đây có thể sẽ được coi là lý do để không được hưởng hỗ trợ và cơ quan thẩm định điều kiện được hỗ trợ cũng không đủ thời gian, nguồn lực và chuyên môn để chắc chắn rằng doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định của pháp luật trước khi chấp thuận hỗ trợ.
Về quy trình hỗ trợ, theo khuyến nghị của VCCI, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư. Việc chi trả tiền hỗ trợ đầu tư vẫn được thực hiện từng năm, nhưng lúc này tiền hỗ trợ chỉ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng phần nghĩa vụ của họ, chứ không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách hay các doanh nghiệp khác. Nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay.
“Chúng tôi tin rằng, mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được”, VCCI đánh giá.